Châu Á: Cung không theo kịp cầu

Nhiều nước châu Á đang đứng trước hàng loạt thách thức như lạm phát, chênh lệch giàu nghèo, giá lương thực tăng cao… Tất cả những điều này được xem bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng đầu thế giới trong suốt nhiều năm qua dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nhiều mặt trong xã hội trong khi lượng cung chưa theo kịp.
Châu Á: Cung không theo kịp cầu

Nhiều nước châu Á đang đứng trước hàng loạt thách thức như lạm phát, chênh lệch giàu nghèo, giá lương thực tăng cao… Tất cả những điều này được xem bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng đầu thế giới trong suốt nhiều năm qua dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nhiều mặt trong xã hội trong khi lượng cung chưa theo kịp.

  • Tăng nhu cầu tài nguyên

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, ông Glenn Stevens, việc châu Á trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đã đẩy giá thực phẩm, khoáng sản và năng lượng tăng cao. Ông Stevens cho rằng, giá cả đang đứng trước áp lực tăng cao vì nhu cầu gia tăng. Nhu cầu này đến từ hàng tỷ người ở châu Á. Trong nhiều trường hợp, các nhu cầu hội tụ lại như những gì từng xảy ra tại các nước phát triển trong nhiều thập niên qua.

Thật vậy, kể từ đầu năm 2008, châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, chiếm 70% tốc độ gia tăng nhu cầu toàn cầu so với mức chỉ 30% của khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2007. Ông Stevens cho rằng đáng chú ý là mức gia tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác tài nguyên để đáp ứng nguyên liệu cho nhiều ngành kinh tế, trong đó riêng việc mua quặng mỏ tăng đáng kể.

Tại bang Queensland của Australia, một dự án khai thác khí đốt chi phí hơn 30 tỷ USD đang được xúc tiến cạnh cảng Gladstone. Tập đoàn dầu khí lớn thứ ba của Australia Santos và Tập đoàn BG Group của Anh sẽ bắt đầu thuê hơn 10.000 công nhân xây dựng vào 2 dự án khác vào cuối năm nay. Australia đang chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản của nước này kể từ thế kỷ 19 nhằm đáp ứng nhu cầu quặng sắt và than đang tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Khác với châu Âu và Mỹ, các nền kinh tế châu Á, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ nhờ các chính sách kích cầu và hệ thống ngân hàng mạnh không cần phải hỗ trợ vốn.

  • Dòng tiền tiếp tục vào bất động sản

Bất chấp nhiều biện pháp hạn chế đầu tư (và cả đầu cơ) vào bất động sản tại nhiều nước châu Á, tiền dành riêng đầu tư vào bất động sản tại châu Á-Thái Bình Dương trong nửa cuối năm 2010 tăng 45%, tương đương 104 tỷ USD.

Dẫn báo cáo của tập đoàn cố vấn bất động sản DTZ đưa ra ngày 10-3, hãng tin Bloomberg cho biết, đến cuối năm 2010, các công ty và quỹ bất động sản có 104 tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào khu vực châu Á, tăng so với 71 tỷ USD vào năm 2009. Cũng theo DTZ, châu Á chiếm gần 32% trong tổng số 329 tỷ USD đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu vào cuối năm 2010. Con số này vào năm 2009 chỉ là 24%.

Theo ông David Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Morgan, Trung Quốc và Australia là hai nước được các nhà đầu tư bất động sản quan tâm nhất. Hầu hết 197 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2010 đều dành vào việc mua đất làm dự án.

  • Bùng nổ về hàng không

Tại hội chợ về hàng không vừa diễn ra ở Hồng Công (Trung Quốc), các nhà kinh tế cho rằng thị trường máy bay chở khách tại khu vực châu Á sẽ dẫn đầu thế giới trong 20 năm tới, vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay tại châu Á tiếp tục tăng mạnh trong 20 năm tới. Ảnh: Một góc sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay tại châu Á tiếp tục tăng mạnh trong 20 năm tới. Ảnh: Một góc sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc.

Theo hãng sản xuất máy bay Airbus SAS, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 1/3 tổng số đơn đặt hàng máy bay chở khách trên toàn cầu so với 1/4 trong 20 năm qua. Cụ thể, ước tính sẽ có 8.560 máy bay hành khách mới, trị giá 1,2 tỷ USD sẽ được giao tại châu Á vào năm 2029. Trong số này có 3.360 máy bay cỡ lớn kiểu A380.

Giải thích nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng này, theo ông Christopher Emerson, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược sản phẩm và thị trường của Airbus, tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên người dân châu Á có nhu cầu đi lại nhiều hơn giữa các trung tâm của châu lục.

Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế, châu Á sẽ chiếm 45% trong tổng số 800 triệu người di chuyển bằng đường hàng không từ năm 2009 đến năm 2014. Hơn thế nữa, châu Á đang cần các thế hệ máy bay mới ít tốn nhiên liệu hơn thay cho các máy bay già cỗi tiêu hao nhiều xăng. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục