* EU phản đối tăng quỹ cứu trợ khủng hoảng
Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được đưa ra vào ngày 7-12. ADB dự báo, khu vực Đông Á (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, đặc khu hành chính Hồng Công, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan) sẽ có mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất lên đến 8,8% và 7,3% trong năm 2011.
Sau thời gian tăng trưởng chậm vào năm 2008 và 2009, các nền kinh tế Đông Á đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt dần đến mức tăng trưởng 9,6% trong năm 2007.
Trước đó, tháng 9, ADB cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á lên 8,2% so với mức 7,3% dự báo vào tháng 4-2010. ADB nhận định, về tổng thể, sức phục hồi kinh tế của châu Á đang tiến triển tích cực và ổn định, với tiêu dùng và kinh doanh tăng nhanh do chính sách kích thích kinh tế của các chính phủ đã hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Dự báo đối với các nền kinh tế đơn lẻ, ADB cho biết tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 9,6%. Trong khi đó, kinh tế của đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), trung tâm dịch vụ và tài chính của Trung Quốc, sẽ phục hồi và đạt mức 5,8% năm nay.
Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan cũng sẽ tăng lần lượt ở mức 6% và 7,7%. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, quốc gia đầu tàu ở Nam Á sẽ vào khoảng 8,2-8,5%. Kinh tế Philippines là 6,2%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,8% được đưa ra trước đó. Singapore sẽ tăng lên 14%, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo trước đó 6,3%.
ADB cũng lưu ý đã đến lúc các nền kinh tế châu Á bình thường hóa các chính sách tài chính và siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ ở nhiều nước, kể cả thông qua việc tăng tỷ giá hối đoái, cũng như rút lại các gói kích thích kinh tế vốn được áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhằm ngăn ngừa các nguy cơ quá nóng của nền kinh tế.
Cùng ngày, tại Brussels (Bỉ), 16 bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng EUR (Eurozone) tiếp tục thảo luận nhằm tìm giải pháp chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng trong khu vực.
Theo IMF, khu vực đồng EUR cần có một quỹ cứu trợ lớn hơn để hỗ trợ những nước thành viên đang gặp khó khăn trong đó bao gồm cả việc trợ giúp hiệu quả hơn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch khu vực đồng tiền chung, ông Jean - Claude Juncker khẳng định vẫn còn quá sớm để bàn về việc tăng quỹ cứu trợ tăng trị giá 750 tỷ EUR (hơn 1.000 tỷ USD).
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kee de Jader và một số bộ trưởng khác cũng không đồng tình với việc tăng quỹ cứu trợ hiện nay và phản đối mạnh mẽ việc phát hành trái phiếu chung của khu vực đồng EUR.
T.HẰNG - X.HẠNH