Châu Á đẩy nhanh thanh toán điện tử

Với ưu thế thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi, thanh toán điện tử ngày càng thịnh hành trên thế giới và nhất là tại châu Á - nơi đang định hình lại lĩnh vực bán lẻ và cũng là nơi các nhà bán lẻ đang tranh giành thị trường quyết liệt nhất. 

Rất nhiều hình thức thanh toán điện tử đã được áp dụng như cà thẻ, thanh toán qua Internet banking, ví điện tử… mà châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu cuộc đua khuyến khích người dân từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt.

Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu quý 3 năm 2018 của GlobalData, 25% người tiêu dùng tại Trung Quốc hàng ngày tìm đến các cửa hàng có hỗ trợ phương thức thanh toán điện tử.

Cuộc khảo sát còn cho thấy, tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Philippines và Trung Quốc, số người tiêu dùng ưa chuộng các cửa hàng có thanh toán điện tử gấp đôi so với trung bình toàn cầu.

Với thương mại điện tử là chìa khóa cho mua sắm hiện đại của châu Á, nền tảng thương mại điện tử khổng lồ như Apple Pay (Mỹ), Alibaba (Trung Quốc) đang giúp trải nghiệm mua sắm trở nên thuận tiện hơn bằng cách khuyến khích thanh toán di động và trực tuyến. Theo bà Iliyana Mesheva, nhà phân tích người tiêu dùng tại GlobalData, cách mua sắm của thế hệ mới cho thấy, thanh toán di động và các ứng dụng dựa trên điện thoại thông minh đang tăng nhanh chóng.

Không muốn chậm chân so với Trung Quốc và Mỹ, tập đoàn Hitachi của Nhật Bản sắp hình thành liên doanh công nghệ tài chính với Ngân hàng nhà nước Ấn Độ (SBI) để mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh chóng của đất nước Nam Á này.

Hitachi đầu tư 26% cổ phần vào Công ty dịch vụ thanh toán SBIPS (trực thuộc SBI) để phục vụ hơn 400 triệu khách hàng với 34 ngàn tỷ rupee (482 tỷ USD) tài sản. Hitachi đã thâm nhập thị trường thanh toán của Ấn Độ từ năm 2014 và hiện đang điều hành khoảng 60.000 máy ATM và 800.000 thiết bị đầu cuối POS.

Hitachi đạt doanh thu 25 tỷ yen (231 triệu USD) trong năm tài chính 2018 và đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, lên 50 tỷ yen vào năm tài chính 2021.

Với việc chính phủ Ấn Độ thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số, các giao dịch tại các thiết bị đầu cuối POS được dự kiến sẽ tăng hơn 4 lần trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021. Thương mại điện tử cũng phát triển mạnh, các giao dịch dự kiến sẽ tăng lên 12,5 tỷ lượt thanh toán vào năm 2020, gấp 5 lần và giá trị thanh toán tăng gấp đôi so với năm 2017.

Dịch vụ ví điện tử hàng đầu của Ấn Độ là Paytm, hiện có khoảng 300 triệu người dùng, vào tháng 8-2018 đã nhận được khoản đầu tư từ công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú  Warren Buffett. Thanh toán điện tử cho giá vé xe lửa và xe buýt cũng được dự kiến sẽ mở rộng nhanh chóng. Thị trường bùng nổ đã thu hút các công ty công nghệ từ Mỹ và châu Âu.

Tại Philippines, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm áp đảo nhưng trong những năm gần đây, nhiều người Philippines đang bắt đầu chuyển sang thanh toán điện tử vì tính an toàn và thuận tiện.

Theo khảo sát của công ty thẻ Mastercard, hơn 90% người thanh toán điện tử cho biết, an toàn vẫn là yếu tố quan trọng nhất để họ mua hàng trực tuyến. Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tính thuận tiện trong thanh toán, các công ty đa quốc gia đang ngày càng hoàn thiện công nghệ bảo mật để đảm bảo an toàn cho việc thanh toán điện tử, nhất là với những giao dịch có số tiền lớn.

Tin cùng chuyên mục