Châu Á lại chuộng vàng

Trong những tháng đầu năm 2015, giá vàng đã không tạo được mức đột phá và thậm chí còn có phần giảm giá. Nhưng những diễn biến đó vẫn không thể làm dòng kim loại này mất cơ hội trở thành một trong những tài sản dự trữ được ưa chuộng tại châu Á.

Trong những tháng đầu năm 2015, giá vàng đã không tạo được mức đột phá và thậm chí còn có phần giảm giá. Nhưng những diễn biến đó vẫn không thể làm dòng kim loại này mất cơ hội trở thành một trong những tài sản dự trữ được ưa chuộng tại châu Á.

Theo bản báo cáo vừa công bố của ANZ mang tên “Từ phía Đông đến El Dorado: Châu Á và tương lai của vàng”, sự gia tăng của tầng lớp trung và thượng lưu tại châu Á cùng sở thích muốn sở hữu vàng sẽ làm giá vàng tăng lên 2.000 USD/ounce vào năm 2025, cao gần gấp đôi so với mức giá 1.200 USD/ounce ở thời điểm hiện tại. Dự báo của Thomson Reuters GFMS thì cho biết, sau khi sụt xuống mức 1.170 USD/ounce trong năm nay, giá vàng sẽ tăng lên 1.250 USD/ounce vào năm tới.

Theo hai chuyên gia kinh tế Warren Hogan và Victor Thianpiriya, với vị thế là đại diện cho một nửa nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050, châu Á sẽ chứng kiến sức mua tăng vọt ở thị trường vàng. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là 2 quốc gia có mức tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Chưa kể Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có nhiều mỏ vàng, có thể khai thác tới 430 tấn/năm. Tờ Diplomat cho rằng, với sức tiêu thụ dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới, nhiều khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ cân nhắc đến kế hoạch mở cửa thị trường giao dịch vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sở giao dịch vàng Thượng Hải ra đời năm 2002, tới nay đã trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng cần sở hữu một lượng vàng trong kho dự trữ để đa dạng hóa các nguồn dự trữ gồm ngoại tệ, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản... Mới chỉ vài năm trước, vàng từng bị chê là “lỗi thời”, nhưng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính trong eurozone xảy ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới tỏ ra quan tâm đến kim loại này hơn bao giờ hết. Nhiều nền kinh tế tích trữ vàng để đa dạng hóa các nguồn tài sản dự trữ bên cạnh hai đơn vị tiền tệ mạnh khác của thế giới là đồng USD và đồng EUR. Chỉ riêng trong năm 2013, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào gần 500 tấn vàng. Theo thống kê của Hội đồng quản lý vàng thế giới (WGC), đây là một kỷ lục chưa từng có từ năm 1964.

Tại châu Á, theo các số liệu chính thức, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang sở hữu hơn 1.000 tấn vàng, tương đương với 1,6% khối tài sản dự trữ của nền kinh tế số hai thế giới này. Nhưng theo giới trong ngành thì dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cao gấp 3 lần so với các thống kê chính thức vừa nêu. Tuy nhiên, lượng vàng đang được cất giữ trong kho của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không thấm vào đâu so với hơn 20.000 tấn của Mỹ, Quỹ tiền tệ quốc tế, Pháp và Đức. Riêng Mỹ được cho là đang sở hữu đến 8.000 tấn vàng. Còn Đức là 3.400 tấn.

Trái với những nhận định lạc quan về thị trường vàng tại châu Á, tỷ phú Mỹ Warren Buffett lại có góc nhìn khác về vàng. Nhà kinh doanh tài ba này luôn bảo vệ quan điểm rằng, vàng sở hữu 2 vấn đề lớn không thể vượt qua: vừa không sử dụng được nhiều, vừa không thể sản sinh. Giá trị của vàng tăng và giảm dựa trên nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền để mua nó, chứ nó không tự đem lại thu nhập cho người sở hữu. Vàng kém năng động và không nên có mặt trong các hạng mục đầu tư.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục