(SGGPO).- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1-2 đã tuyên bố Zika là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và cảnh báo virus này có thể lây nhiễm đến 4 triệu người ở châu Mỹ trong năm nay. Sự lây lan Zika ở các nước châu Mỹ được mô tả là một "đại dịch bùng nổ" và châu Á cũng đang lo lắng khó tránh virus này.
Cuộc khủng hoảng y tế gần đây nhất mà WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là dịch bệnh Ebola trong năm 2014-2015. Tuy nhiên, không như Ebola, ít ai nghe nói về Zika trước tháng 1 năm nay.
Đó là khi giới chức y tế Brazil công bố rằng, trong năm ngoái đã phát hiện 4.000 ca trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng với đầu nhỏ và não kém phát triển, được cho là liên quan Zika.
Zika được cho là liên kết với dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, với hơn 4.000 ca phát hiện ở Brazil trong năm ngoái. Ảnh: BBC
Virus do muỗi truyền này chỉ gây các triệu chứng nhẹ như phát ban và sốt, nhưng đa số người nhiễm Zika - 4 trong 5 ca lại không có triệu chứng nào.
Đến nay Zika đã được phát hiện ở ít nhất 24 quốc gia châu Mỹ, và ở Mỹ đã có ít nhất 30 ca nhiễm được báo cáo - đều ở những người đã đến các khu vực có nguy cơ cao.
Các nhà khoa học nghiên cứu dịch bệnh ở châu Mỹ cho biết vài triệu người gần như chắc chắn đã nhiễm Zika.
Sự lây lan Zika ở các nước châu Mỹ được mô tả là một "đại dịch bùng nổ" nhưng cho đến nay châu Á được xem là miễn nhiễm với Zika. Tất cả mẫu phân tích virus đều âm tính tại Viện Virus học ở Pune - trung tâm của Ấn Độ chuyên nghiên cứu sự lây lan các bệnh do virus.
Tuy nhiên, châu Á có lý do để lo lắng về virus này. Ấn Độ đang bắt đầu xét nghiệm Zika trong số 1,3 tỷ dân. Sẽ không ngạc nhiên nếu Zika được tìm thấy, bởi Ấn Độ đã có lịch sử lâu dài nhiễm Zika.
Phun thuốc diệt muỗi truyền virus Zika ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AP
Theo BBC, khi Viện Virus học ở Pune được thành lập vào năm 1952, một nhóm nhà khoa học được giao nhiệm vụ tìm ra những bệnh nào cần tập trung nỗ lực phòng chống.
Nhóm đã đi khắp Ấn Độ thu thập các mẫu máu để xét nghiệm phơi nhiễm với một danh sách 15 bệnh do côn trùng gây ra. Điều ngạc nhiên là có Zika trong danh sách này vì virus này chỉ mới được phát hiện không lâu.
Năm 1947, Zika lần đầu tiên được phân lập từ những con khỉ sống trong rừng Zika ở Uganda. Đến năm 1952, Zika mới chính thức được mô tả là một virus riêng biệt.
Tuy nhiên, nhóm đã phát hiện "số lượng lớn" người dân đã bị phơi nhiễm virus này ở Ấn Độ. Trong số 196 người được nhóm xét nghiệm căn bệnh mới này, có 33 người mắc.
Năm 1953, nhóm công bố một bài báo trong đó kết luận: "Do đó, dường như chắc chắn rằng virus Zika đã tấn công con người ở Ấn Độ".
Đáng chú ý là kết luận này đã có trước cả khi ca nhiễm Zika đầu tiên ở người được chính thức ghi nhận tại Nigeria vào năm 1954.
Điều đó cho thấy rằng Zika đã lây lan rộng rãi trước cả khi virus sống đầu tiên được phân lập ở người.
Nhóm đã không đặc biệt quan tâm bằng chứng nhiễm Zika bởi đây được xem là một bệnh rất nhẹ, chỉ gây phát ban nhẹ và sốt, không có biến chứng lâu dài đáng kể.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua nhận thức đó đã thay đổi đáng kể, khi Zika được liên kết chứng teo não ở trẻ sơ sinh và một bệnh tự miễn hiếm gặp gọi là hội chứng Gillian Barre.
Có thể Zika vẫn là bệnh đặc hữu ở Ấn Độ nhưng đơn giản là đã không được xác định bởi nó không phải bệnh thường được xét nghiệm.
Và thậm chí nếu Ấn Độ đã không có Zika, sự phát triển của 2 bệnh khác - sốt xuất huyết dengue và sốt chikungunya - chứng minh rằng Zika có thể lây lan.
Tất cả 3 loại virus này đều được truyền bởi cùng một loài muỗi, Aedes aegypti (muỗi vằn) khét tiếng.
Năm ngoái, Ấn Độ trải qua đợt dịch bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Có 25.000 ca bệnh được xác nhận, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn ít nhất 100 lần.
Bệnh sốt xuất huyết ngày càng lây lan mạnh trên toàn thế giới, với khoảng 1% số bệnh nhân tử vong.
50 năm trước, bệnh sốt xuất huyết chỉ được ghi nhận ở vài quốc gia. Bây giờ, đây là bệnh đặc hữu ở hơn 100 quốc gia, với hơn phân nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Hiện một năm có đến 100 triệu ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có thể một triệu bệnh nhân tử vong.
Theo các chuyên gia, bất cứ nơi nào có sốt xuất huyết, rất có thể cũng có Zika, vấn đề - chỉ là thời gian.
Giáo sư Laura Rodrigues, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Brazil và Trường Vệ sinh - Y học Nhiệt đới London, cho rằng có khả năng thực sự muỗi Aedes aegypti sẽ tái lây nhiễm virus Zika ở châu Á.
Brazil điều 220.000 binh sĩ đến từng nhà trong chiến dịch chống Zika trên toàn quốc. Ảnh: EPA
Thật vậy, những phát hiện của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) ở các nước châu Mỹ cũng có thể áp dụng đối với khu vực châu Á.
PAHO dự báo "virus Zika sẽ tiếp tục lan rộng và có khả năng lan đến tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ nào đã có muỗi Aedes aegypti".
Trong khi đó, cuộc đua nghiên cứu cách thức Zika hoạt động trên cơ thể người và tìm cách phát triển vaccine vẫn đang diễn ra. Những ước tính lạc quan nhất cũng cho thấy sẽ mất ít nhất 2 năm để có một loại vaccine.
| |
GIA HY