Châu Á - Tâm điểm năm 2012

Năm 2012, một loạt cường quốc ra quyết sách chuyển trọng tâm đến châu Á. Điều này cho thấy châu Á trở thành động lực chính của toàn cầu. Hãng AP cho rằng, có nhiều lý do khiến châu Á năm nay trở thành một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới.

Năm 2012, một loạt cường quốc ra quyết sách chuyển trọng tâm đến châu Á. Điều này cho thấy châu Á trở thành động lực chính của toàn cầu. Hãng AP cho rằng, có nhiều lý do khiến châu Á năm nay trở thành một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, các nước châu Á đã gây ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng khá, nguồn tài chính dồi dào. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của châu Á giảm, thấp hơn mức 7% đạt được trong năm 2011, nhưng vẫn là mức tăng trưởng đáng mơ ước đối với những khu vực đang chìm trong khủng hoảng nợ công như châu Âu và ngấp nghé bờ vực suy thoái như nước Mỹ. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế khu vực, tiêu biểu là Ấn Độ và Trung Quốc, quốc gia có khả năng vượt Mỹ giành ngôi quán quân về kinh tế toàn cầu trước năm 2030.

Một lý do khác xuất phát từ câu chuyện tăng cường chạy đua giành ảnh hưởng tại khu vực này. Đáng chú ý nhất là Mỹ - cường quốc số một thế giới tỏ ra sốt sắng với chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện rõ qua những chuyến công du cấp tập của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Cùng với các biện pháp ngoại giao, Mỹ cũng ráo riết thúc đẩy nhiều biện pháp quân sự đi kèm như điều thêm chiến hạm và các loại vũ khí đến một số vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng, phát triển các căn cứ quân sự ở khu vực này và tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực. Ngoài Washington, nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ cũng điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng về châu Á. Australia đã công bố Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á”, trong đó nêu bật những nhận định về thay đổi kinh tế và chiến lược ở châu Á.

Ấn Độ cũng có những hành động thực tiễn nhằm triển khai “chính sách hướng Đông” vốn đã được đưa ra cách đây một thập kỷ. Nước Nga, quốc gia muốn trở lại vị trí siêu cường cũng không đứng yên chờ. Ngay sau khi trở lại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hội nghị APEC tại Vladivostok, quyết tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nhằm tạo động lực đưa nước Nga thâm nhập thị trường châu Á.

Theo Đài tiếng nói nước Nga, bên cạnh những thành tựu kinh tế, lo lắng về an ninh khu vực khiến các nước châu Á tăng chi tiêu cho quốc phòng đưa khu vực này vượt qua châu Âu về mức độ “mạnh tay”. Khi 16 nước thành viên NATO ở châu Âu đã cắt giảm phí tổn quân sự thường niên thì các nước châu Á dự kiến sẽ chi hơn 270 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2013. 

Một lý do nữa khiến châu Á trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới trong năm qua là những biến động và căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Những diễn biến sôi động trong năm 2012 cho thấy người khổng lồ châu Á đã chính thức bước vào cuộc đua sôi động trên bản đồ địa chính trị thế giới. Điều mà dư luận quan tâm là liệu khu vực châu Á có duy trì được đà phát triển ấn tượng trong năm 2013? Lời giải đáp cho câu hỏi này còn phải đợi những diễn biến tiếp theo trong năm tới và tất nhiên, phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của từng nước trong khu vực cũng như các mối quan hệ đa phương với các quốc gia khác trên thế giới.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục