Châu Á trong lòng nước Mỹ

50 triệu USD cho mỗi trung tâm văn hóa châu Á
Châu Á trong lòng nước Mỹ

Đối mặt với nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều tổ chức văn hóa đang hoạt động trên toàn cầu nói chung và ở Mỹ nói riêng đều bị điều chỉnh bởi chính sách thắt lưng buộc bụng. Thế nhưng tổ chức phi lợi nhuận Asia Society (AS) là một trường hợp khác.

Trung tâm châu Á tại Houston, Mỹ.

Trung tâm châu Á tại Houston, Mỹ.

50 triệu USD cho mỗi trung tâm văn hóa châu Á

Tuần tới, AS sẽ khánh thành thêm một trung tâm về châu Á tại đặc khu tài chính Hồng Công (Trung Quốc) và một trung tâm khác ở Houston (Mỹ) trong mùa xuân này. Kinh phí đầu tư cho mỗi trung tâm là khoảng 50 triệu USD. AS cho biết, họ tự tin khoản đầu tư khá mạnh tay vào các trung tâm châu Á và ước tính khoản thu mỗi năm từ riêng mỗi trung tâm mang về là từ 1-4,5 triệu USD.

Trung tâm đặt tại Hồng Công nằm trong khuôn viên từng là nơi đặt nhà máy chế tạo vũ khí và thuốc nổ của quân đội Anh vào thế kỷ 19. Kiến trúc sư chính thiết kế công trình là Tod Williams và Billie Tsien, từng thiết kế tòa nhà Bảo tàng Nghệ thuật dân gian Mỹ ở Manhattan (New York).

Trong khi đó, trung tâm ở Houston do nhà thiết kế người Nhật Bản Yoshio Taniguchi phụ trách. Yoshio Taniguchi cũng là người thiết kế Bảo tảng Nghệ thuật hiện đại (New York). Mỗi trung tâm cùng có các phòng trưng bày nghệ thuật và phòng hội nghị.

AS mở rộng mục tiêu

Mục tiêu chính của AS là cung cấp kiến thức về châu Á cho bạn bè quốc tế. Hiện tổ chức đã lập được nhiều trung tâm châu Á ở Houston, Los Angeles, San Francisco, thủ đô Washington ở Mỹ và ở nhiều vùng lãnh thổ, TP lớn khác như: Hồng Công, Manila (Philippines), Mumbai (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Melbourne (Australia)… Tất cả những trung tâm này đều thuộc sự quản lý của trụ sở AS tại TP New York. Tỷ phú John D. Rockefeller III đã thành lập tổ chức AS vào năm 1956 với nhiệm vụ ban đầu là giới thiệu văn hóa châu Á đến người Mỹ. Sau này, AS đã mở rộng mục tiêu hoạt động sang những dự án, chương trình kết nối châu Á và Mỹ, những vấn đề quan trọng trên toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến người châu Á như môi trường, y tế…

Một trong những chương trình mà AS khởi xướng và thực hiện là “Sáng kiến những nhà lãnh đạo trẻ châu Á thế kỷ 21”, tập hợp 150 nhà lãnh đạo trẻ của châu Á từ 40 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra là chương trình “Phụ nữ làm lãnh đạo ở châu Á mới” khuyến khích phụ nữ phát triển năng lực bản thân, kể cả khu vực nhà nước và các tổ chức tư nhân.

Bà Vishakha N. Desai, Chủ tịch AS, chia sẻ: “Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2050, 50% GDP của thế giới sẽ đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Dân số châu Á sẽ chiếm 60% dân số thế giới. Thế giới đang dần thay đổi, vì thế nhiệm vụ của AS cũng phải thay đổi. AS từng tập trung giải thích về châu Á cho người Mỹ. Giờ đây, chúng tôi phải củng cố mối quan hệ Mỹ-châu Á thêm vững mạnh, về văn hóa, thương mại, giáo dục và những chính sách công. Làm như thế để chúng ta có thêm cơ hội hợp tác với khu vực châu Á hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.

Hà Nhi

Tin cùng chuyên mục