Ngày 30-3, nước Pháp bước vào vòng 2 cuộc bầu cử địa phương. Thất bại lớn sau cuộc bỏ phiếu vòng 1 cho thấy nguy cơ thất bại của đảng Xã hội cầm quyền (PS) là rất lớn, trong khi đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu và các đảng liên minh đứng trước cơ hội lịch sử.
Các cuộc thăm dò và phân tích trước vòng 2 đều cho thấy, PS đang bị mất uy tín nghiêm trọng do sau 2 năm cầm quyền không thực hiện được các cam kết đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và giảm đà tăng tỷ lệ thất nghiệp (số người thất nghiệp hiện nay đã tăng lên mức 3,34 triệu người). Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã giảm xuống mức kỷ lục, chỉ còn lần lượt là 20% và 25%.
Theo giới quan sát, trong vòng 2, cánh hữu có thể sẽ chiến thắng thêm ở nhiều địa phương, thậm chí cả ở nhiều thành phố lớn và khu vực vốn ủng hộ cánh tả. Nếu không có một sự đột biến nào trong vòng 2 này, PS có thể sẽ đánh mất sự lãnh đạo của mình tại hơn 100 thành phố. Báo chí Pháp dẫn lời Bộ trưởng Đặc trách người Pháp ở nước ngoài Helene Conway - Mouray gọi kết quả này “thật sự là một cú sốc!” vì nước Pháp chưa khi nào bộc lộ chiều hướng thiên về cánh hữu và cực hữu rõ nét như ở cuộc bầu cử này.
Trước cuộc bầu cử ở Pháp, cánh hữu và cực hữu ở nhiều quốc gia châu Âu đã trỗi dậy mạnh mẽ. Mới đây nhất, nhóm cực hữu bán quân sự Ukraine, tổ chức từng đe dọa phá hủy đường ống khí đốt của Nga, tuyên bố sẽ thành lập chính đảng trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở nước này tới gần.
Kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này sẽ không chỉ làm thay đổi cục diện chính trị ở Pháp mà còn là điềm chẳng lành cho cả châu Âu, khi cánh hữu và cực hữu - với các tư tưởng bài ngoại, chống sự hội nhập vào châu Âu và toàn cầu hóa – đang trỗi dậy. Xu hướng chính trị này được dự báo sẽ tác động mạnh tới kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5, khi các phe phái cánh hữu đang tìm cách tập hợp thành một khối tranh cử với cương lĩnh chung để hình thành phe cánh mới trong EP.
Nổi bật hơn hết là tuyên bố thành lập “Liên minh nghị sĩ cực hữu xuyên châu Âu” giữa nữ thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen của Pháp và lãnh đạo đảng Tự do (PVV) nổi tiếng chống đạo Hồi của Hà Lan Geert Wilders như một nỗ lực nhằm đưa đại diện của họ vào EP. Ngoài ra, những người theo các Đảng phái có khuynh hướng phát xít được dự đoán có thể giành ghế trong EP khi lực lượng này đang ngày một gia tăng tại Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Hungary.
Cuộc bầu cử EP kỳ này cũng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), EP sẽ có tác động trực tiếp đối với việc chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người điều hành công việc hàng ngày của khối này. Đó là lý do ngày 1-3 vừa qua, các Đảng xã hội châu Âu đã phải vội vã nhóm họp tại Rome, Italia với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các đảng xã hội ở các nước trong khối.
Sau 5 năm vật lộn với nợ công, dường như năm 2014, lãnh đạo châu Âu lại có chuyện để bận rộn hơn.
HẠNH CHI