Sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May nhất trí sẽ gặp nhau trong “tương lai gần” theo thông báo của Điện Kremlin ngày 10-8 chắc chắn sẽ làm phương Tây lo lắng. Một lần nữa, nước Nga đang cho thấy vai trò trọng yếu của họ trên bàn cờ kinh tế và chính trị thế giới.
Lợi ích căn bản quốc gia
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ, trong cuộc điện đàm do phía London đề xuất, hai nhà lãnh đạo đã lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp riêng trong “tương lai gần”.
Trong khi thảo luận về những vấn đề có tính thời sự trong mối quan hệ Nga - Anh, hai bên đã bày tỏ không hài lòng với tình hình hợp tác hiện nay trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và thương mại. Thủ tướng Anh còn bày tỏ, bất chấp những khác biệt về một số vấn đề, họ sẽ kết nối theo cách cởi mở và chân thành về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm nhất. Theo nguồn tin từ người phát ngôn chính phủ Anh, lãnh đạo 2 nước dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Trung Quốc vào tháng tới.
Trước đó, ngay ngày Thủ tướng Anh Theresa May tuyên thệ nhậm chức (13-7), Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẵn sàng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác về “các vấn đề hiện nay, liên quan đến quan hệ song phương và chương trình nghị sự quốc tế” với tân Thủ tướng Anh. Ông Putin tin tưởng rằng, việc gìn giữ và phát huy tiềm năng hợp tác Nga - Anh trong nhiều lĩnh vực mà đã được Mátxcơva, London tích lũy trong một thời gian dài là vì lợi ích căn bản của cả hai quốc gia.
Khách nước ngoài mua trái cây tại sân bay của Nga
Sự kiện mới nhất này báo trước một sự khởi đầu cải thiện quan hệ giữa hai nước sau những rạn nứt liên quan đến cái chết của điệp viên Alexander Litvinenko, cuộc khủng hoảng Ukraine cùng hàng loạt vấn đề khác từ một thập niên nay. Báo Telegraph ngày 10-8 nhận định, đã đến lúc Mátxcơva và London cần phải ưu tiên cho lợi ích căn bản quốc gia trong bối cảnh các công dân Anh và Nga đang đối mặt với mối đe dọa chung từ khủng bố. Và đặc biệt, sự hợp tác về an ninh hàng không là một phần sống còn của nỗ lực chống khủng bố quốc tế, như lời người phát ngôn Anh.
Các nước thức thời
Không phải chỉ Anh, sau khi rời khỏi Liên minh châu âu (EU) mới chủ động xích lại gần Nga. Trước đó, các nước đầu tàu trong khối này như Đức và Pháp cũng đã thức thời và có những động thái tiên phong. Bởi, suy cho cùng, lợi ích quốc gia vẫn trên hết. Các hành động trả đũa giữa Nga và phương Tây xung quanh lệnh cấm vận của châu Âu đối với Mátxcơva liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea, chỉ có làm hại nền kinh tế của các bên liên quan.
Kết quả cuộc khảo sát do Văn phòng Ngoại thương Nga - Đức tiến hành đối với 800 công ty Đức mới đây cho thấy kim ngạch thương mại giữa Nga và Đức đã giảm xuống từ 80 tỷ EUR vào năm 2012 xuống còn 50 tỷ EUR. Thủ tướng Đức A.Merkel từng khuyến cáo: “Lệnh cấm vận thực chất là một sự bế tắc chính trị. Chúng ta cần phải đối thoại với Nga, như thế mới phù hợp với lợi ích của Đức và EU cũng như có lợi cho nền kinh tế Nga”. Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Ngoại trưởng Pháp Jean - Marc Ayrault, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz… đều kêu gọi EU có những biện pháp tích cực hơn đối với Nga.
Trong khi đó, phe ủng hộ cấm vận Nga đang thất thế tại EU khi ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ những nghi ngại về tính hiệu quả của lệnh trừng phạt trên. Một số quan chức ngoại giao Hy Lạp, Hungary, Bulgaria, Slovakia và đảo Cyprus nhiều lần kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận đối với Nga. Việc Nga kéo được Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình đã khiến cho châu Âu như đang trong cơn ác mộng trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu và Mỹ đang căng thẳng sau âm mưu đảo chính thất bại.
Ngày 11-8, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông báo sẽ tiến hành thảo luận về tình trạng leo thang căng thẳng tại Crimea sau khi Nga cáo buộc Ukraine dàn xếp âm mưu tấn công vào cơ sở hạ tầng của khu vực Crimea. Cuộc họp khẩn này được tiến hành theo yêu cầu của phái đoàn thường trực Ukraine tại Liên hiệp quốc. Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã đập tan các vụ tấn công khủng bố tại Crimea do lực lượng tình báo quân đội Ukraine tiến hành đêm 6 và 7-8. Hiện phía Ukraine cũng đã xác nhận kẻ tình nghi tổ chức các vụ tấn công ở Crimea là công dân Ukraine. |
HẠNH CHI