Ngày 25-10, Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức phiên họp khẩn về di cư nhằm giải quyết tình trạng dòng người di cư ồ ạt đổ về khu vực biên giới các nước Tây Balkan. Hiện trạng này cho thấy, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ lẫn ngăn chặn người di cư dù được triển khai song cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thu được kết quả khả quan nào.
Quá tải
Theo lời mời của Chủ tịch EC Jean - Claude Juncker, người đứng đầu chính phủ các nước Áo, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Serbia và Slovenia sẽ tham dự cuộc họp. Mục tiêu nhằm thống nhất và đưa ra các phương án hành động chung có thể triển khai ngay lập tức.
Thông báo triệu tập được đưa ra trong bối cảnh hàng chục ngàn người, trong đó đa số là người di cư Syria và Afghanistan tìm đường tới Đức, đang bị mắc kẹt ở những nước Tây Balkan sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia. Theo Reuters, tính đến ngày 23-10, đã có 12.000 người di cư tập trung tại khu vực biên giới Slovenia chờ cứu trợ. Chính phủ Slovenia đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế vì lo tình trạng quá tải hiện nay nhiều khả năng dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hiện, có hơn 9.000 người di cư đang phải chịu cảnh thiếu lương thực, chăn đắp trong mùa đông khi đổ về biên giới Serbia và Croatia. Hy Lạp đã phải kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ bổ sung 330 triệu EUR (374 triệu USD) trong năm 2016 để giải quyết các vấn đề liên quan tới người di cư.
Người di cư tập trung ở biên giới Slovenia
Cộng hòa (CH) Czech là quốc gia đang bị chỉ trích nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng di cư. Cao ủy LHQ phụ trách về nhân quyền, Zeid Ra’ad al-Hussein, cho rằng nước này đang vi phạm nhân quyền khi có hành động giam giữ người di cư đến 90 ngày và tịch thu mọi tài sản của họ để chi trả cho việc giam giữ. Chính phủ Prague tuyên bố những vụ bắt giữ là hợp pháp và khẳng định Czech đang cố gắng cải thiện điều kiện ở các trung tâm di cư, cũng như xây dựng một trung tâm mới. Tuần trước, đã có 533 người bị bắt giữ tại CH Czech.
Nên đối xử công bằng
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Đức đã ngăn chặn thành công âm mưu phóng hỏa nhiều trại tạm trú dành cho người xin tị nạn. Cơ quan Công tố Đức cho biết, cảnh sát thị trấn Bamberg, miền Nam nước Đức, đã bắt giữ 13 đối tượng thuộc phong trào cực tả tình nghi lên kế hoạch phóng hỏa hai địa điểm tạm trú dành cho người di cư. Trước đó, ngày 21-10, trong một cuộc đột kích, 11 thành viên của các phong trào cực hữu và các băng nhóm tội phạm cũng đã bị cảnh sát tại đây bắt giữ do có âm mưu tấn công người nhập cư. Theo Văn phòng cảnh sát phòng chống tội phạm liên bang Đức, chỉ trong vòng 3 tháng (tháng 7, 8 và 9), số vụ tấn công nhằm vào các trung tâm dành cho người xin di cư đã lên đến 285 vụ, cao hơn con số 198 vụ của cả năm 2014.
Các vụ tấn công phản đối người nhập cư không chỉ gia tăng về số lượng mà còn thay đổi về cách thức hành động. Nhiều báo cáo của các tổ chức giám sát nhân quyền và nhập cư trong những tháng gần đây cho thấy tình trạng người di cư bị tấn công ngay từ khi còn lênh đênh trên những con thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp bắt đầu xuất hiện. Những đối tượng bịt mặt di chuyển trên tàu cao tốc, tấn công các thuyền cao su chở người di cư rồi lấy đi động cơ của những chiếc thuyền này.
Trước thềm diễn ra phiên họp khẩn về di cư, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã mạnh mẽ chỉ trích các nước EU không thực hiện những cam kết hỗ trợ người di cư, đồng thời hối thúc các hoạt động viện trợ khẩn cấp thay vì những cam kết trên giấy tờ. Các nước thành viên EU đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ EUR (2,6 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, tuy nhiên cho đến nay chỉ mới cung cấp được 275 triệu EUR.
THANH HẰNG (tổng hợp)