
Ngày 16-12, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc, sự kiện khép lại một năm đầy khó khăn với các vấn đề nóng như Anh rời EU (Brexit), quan hệ EU - Nga, EU - Thổ Nhĩ Kỳ…
Không có rút lui êm ái cho Anh
Về vấn đề Brexit, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất kế hoạch đàm phán đưa Anh rời khỏi khối này. Theo đó, cam kết hành động nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm Anh không dễ dàng có được một thỏa thuận rút lui “êm ái”, tạo tiền lệ xấu cho những thành viên trong khối.
Bên lề hội nghị, 27 nhà lãnh đạo của khối này đã có cuộc gặp ngắn để chốt lại kế hoạch khởi động đàm phán về Brexit. Đây là cuộc gặp lần thứ hai của lãnh đạo 27 nước EU mà không có sự tham dự của Thủ tướng Anh Theresa May kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh. Các nhà lãnh đạo EU cho biết, lần gặp này không bàn đến nội dung các cuộc đàm phán sắp tới với London mà tập trung làm rõ vai trò của EU trong các cuộc đàm phán tương lai.

Các nhà lãnh đạo EU quay cuồng với một năm 2016 đầy khó khăn
Sau cuộc gặp ngắn này, các nhà ngoại giao EU cho biết, Thủ tướng Anh đã cam kết với các đối tác châu Âu rằng bà sẽ kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon khởi động quá trình đưa Anh ra khỏi EU kéo dài 2 năm vào cuối tháng 3-2017, bất chấp phán quyết của Tòa án thượng thẩm Anh liên quan tới nỗ lực này, vốn được cho có thể đe dọa lịch trình đàm phán Brexit.
EU cũng đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự quyết tâm hợp tác để sẵn sàng giải quyết những bất ổn nảy sinh từ kịch bản Brexit. Tuy nhiên, tuyên bố nhấn mạnh thêm bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phải tuân thủ nguyên tắc cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời phản đối những nỗ lực của Anh nhằm cố gắng ở lại thị trường chung EU nếu London không chấp nhận điều kiện di cư tự do trong châu lục.
Kênh truyền hình Sky News cho biết, các khoản tiền mà Anh phải trả cho EU theo các cam kết của Anh, nếu nước này ra khỏi liên minh, có thể lên tới 60 tỷ EUR, bao gồm trả tiền lương cho công dân Anh sinh sống tại EU, cung cấp đảm bảo cho các khoản tín dụng…
Trắc trở quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Cũng tại hội nghị, EU đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga từ năm 2014 liên quan đến vấn đề Ukraine. Thủ tục để chính thức kéo dài các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực hiện vào đầu tuần tới. Điều này sẽ khiến quan hệ EU - Nga chưa thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Nhiều nước thành viên trong khối đã yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga do bị thấm đòn thiệt hại kinh tế từ việc Nga trả đũa.
Một vấn đề khiến EU mệt mỏi không kém là thỏa thuận đàm phán gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận lại tất cả những người di cư không có đủ giấy tờ đã đến được châu Âu để đổi lấy việc châu Âu tiếp nhận những người tị nạn từ Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở một đổi một. EU cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.
Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực (tháng 3-2016), Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hành động nhằm giảm đáng kể lượng người di cư tràn vào châu Âu thời gian gần đây. Theo Ủy ban châu Âu (EC), lượng người nhập cư trái phép vào EU hiện đã giảm xuống còn 100 người/ngày so với mức 10.000 người/ngày trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nhập cư vào tháng 10-2015.
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận đang bị đặt dấu hỏi khi ngày 24-11 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi dừng các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, để phản đối các hoạt động trấn áp của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7. Sau cuộc bỏ phiếu của EP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa xé bỏ thỏa thuận nhập cư và mở cửa biên giới nếu EU đi quá xa.
ĐỖ CAO (tổng hợp)