Châu Âu lo ngại “hiệu ứng vòng hai”

Lạm phát lan từ Đông sang Tây
Châu Âu lo ngại “hiệu ứng vòng hai”

Hiệu ứng vòng hai là lối nói ví von của báo chí phương Tây khi nói tới tình trạng lạm phát gia tăng và hoành hành khắp nơi khiến chính phủ các nước phải thực hiện biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vượt qua thời kỳ khó khăn. Tờ The Economist của Anh cho biết, bước vào năm 2008, lạm phát gia tăng - trước tiên là ở khu vực Trung và Đông Âu và sau lan rộng sang vùng Tây Âu - là mối quan tâm lớn của kinh tế các nước khu vực. Lạm phát cao chủ yếu do giá lương thực và năng lượng cao cùng các yếu tố mang tính đặc trưng của khu vực.

Lạm phát lan từ Đông sang Tây

Châu Âu lo ngại “hiệu ứng vòng hai” ảnh 1
Zimbabwe in tiền mệnh giá 50.000.000 ZWD chỉ có giá trị tương đương 1 USD vì lạm phát tăng 165.000%.

Hầu hết các nước trong khu vực đều ghi nhận sự gia tăng mạnh lạm phát trong năm 2007. Lạm phát ở Nga năm 2007 là 11,9%, ở Ukraine là 16,6% và Kazakhstan là 18,8%.

Các nước vùng Baltique với nền kinh tế đang bùng nổ, cũng có mức lạm phát từ 8% tới 14%. Lạm phát cũng đạt hai con số ở Bulgaria và ngay sau đó là các nước Serbia và Romania. Lạm phát khá thấp chỉ thấy ở Slovakia là 2,5%, do chính phủ đã thuyết phục các nhà phân phối năng lượng kìm giữ giá thấp.

Những căng thẳng ở Đức lan dần sang các nước xung quanh. Hồi tháng 2, Ủy ban châu Âu (EC) đã tăng mức dự báo lạm phát năm 2008 từ 2,1% lên 2,6%, do lo ngại hiện tượng “hiệu ứng vòng hai”.

Số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3-2008 đã tăng trung bình 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức mục tiêu 2% do Ngân hàng châu Âu (ECB) đưa ra, và là mức tăng cao nhất kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào lưu hành cách đây gần 10 năm.

Giá hàng hóa leo thang đã khiến các nước Eurozone lo ngại về sự xuất hiện của vòng xoáy lạm phát, được kích thích bởi những đòi hỏi tăng lương do sức mua ngày càng giảm sút. Sau một thời gian dài duy trì chế độ lương ổn định, Đức là nước đang phải đối mặt với những đòi hỏi tăng lương mạnh mẽ nhất.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết giá tiêu dùng chỉ trong tháng 3 đã tăng 3,1%. Lạm phát tăng cũng buộc các chính sách phải thích ứng với yếu tố sự mất giá của đồng euro.

Chưa thống nhất về biện pháp kiềm chế

Châu Âu lo ngại “hiệu ứng vòng hai” ảnh 2
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet lo ngại vì “hiệu ứng vòng hai”.

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng các biện pháp để kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực Eurozone chậm lại. Các chuyên gia kinh tế lo ngại “hiệu ứng vòng hai” khiến người tiêu dùng đòi tăng lương do sức mua của đồng tiền giảm sút, điều này tiếp tục đẩy giá tăng lên bởi các nhà sản xuất buộc phải cộng thêm chi phí mới vào giá thành sản phẩm và dịch vụ.

Theo Tổng thư ký Liên hiệp các nghiệp đoàn châu Âu (CES) John Monks giá cả tăng cao “củng cố thêm lý lẽ đòi tăng lương của người lao động”. Theo ông J.Monks, tăng lương có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh xuất khẩu có nguy cơ giảm sút trước đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới, do tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn của Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đang tìm mọi cách ngăn chặn “hiệu ứng vòng hai”, đồng thời đe dọa tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ông nói rằng cuộc chiến chống lạm phát là ưu tiên lớn nhất của ECB hiện nay.

Tại Trung và Đông Âu, nguyên nhân chính làm lạm phát tăng mạnh là do giá thực phẩm và lương thực và nguyên liệu bất ổn. Thị trường lao động cũng là nguyên nhân làm tăng lạm phát ở châu Âu khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, làn sóng di cư sang phía Tây, dẫn tới lương tăng nhanh tạo nên các hiệu ứng làm tăng giá lương thực và năng lượng.

Lạm phát tăng mạnh đặc biệt tại những nước thực hiện chính sách cố định tỷ giá, các nước này thiếu các công cụ tiền tệ hiệu quả để kiềm chế lạm phát.

Một số nước đang tính tới việc tăng lãi suất để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, bao gồm CH Czech, Ba Lan và Romania. Tại các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS), sự bất bình trong xã hội đối với lạm phát sẽ là sức ép với các chính phủ. Nga có thể áp đặt chính sách kiểm soát giá trước khi bầu cử diễn ra, một số nước khác cũng có thể sẽ áp dụng biện pháp này dù những biện pháp như vậy chỉ có hiệu quả từng phần.

Các nước cũng sẽ xem xét lại chính sách tỷ giá và cho phép đồng tiền tăng giá để chống lạm phát. Tuy nhiên, khả năng này không cao vì đồng tiền lên giá sẽ ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, khi mặt hàng giá cả đã ổn định và chính sách tiền tệ chặt chẽ, lạm phát có thể sẽ giảm ở hầu hết các nước từ giữa năm 2008.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu cũng gây sức ép lên giá trị hàng hóa, mức giá trên trung bình của hàng hóa lương thực, thực phẩm và giá năng lượng dự báo sẽ chấm dứt. Giá dầu trung bình năm 2008 vẫn sẽ tăng lên gần mức 90 USD/thùng so với 73 USD/thùng của năm 2007.

Ngoài ra, chính sách độc quyền nhập khẩu một số mặt hàng tại một số nước cũng góp phần làm tăng giá hàng hóa ở một số quốc gia. Chính phủ dựa vào quá nhiều chính sách kiểm soát giá, những biện pháp đó thường chỉ làm tổn hại khả năng cung ứng, chính sách dùng công cụ lãi suất và tiền tệ cũng không mang lại hiệu quả cao, nếu hệ thống ngân hàng chưa phát triển.


VIỆT ANH (Theo Kinh tế tham khảo Trung Quốc, The Economist)

Tin cùng chuyên mục