Khi cuộc xung đột ở Dải Gaza ngày càng diễn biến phức tạp thì ở châu Âu lại xuất hiện làn sóng bài Do Thái mới để phản đối Israel dùng vũ lực tấn công người Palestine. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu không mong muốn, nhất là Đức-quốc gia đã tránh can thiệp vào cuộc xung đột Gaza do quá khứ nhạy cảm giữa hai quốc gia từ thời Thế chiến 2.
Thoạt đầu, tại châu Âu chỉ xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối xung đột tại Gaza. Nhưng chỉ một thời gian sau, biểu tình đã trở thành những vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người bài Do Thái quá khích. Chính quyền thủ đô Paris của Pháp buộc phải ban hành lệnh cấm biểu tình sau vụ xung đột ở phố Barbès khiến 14 cảnh sát bị thương. Tại Rome (Italia), nhiều cửa hàng của người Do Thái bị tẩy chay. Người biểu tình còn dán những khẩu hiệu dè bỉu và đe dọa người Do Thái bên ngoài cửa hàng. Tại Áo, trận đấu bóng giao hữu giữa đội Maccabi Haifa đến từ Israel và đội Paderbon phải di dời sang một địa điểm an ninh hơn sau khi một nhóm thanh niên vẫy cờ Palestine liên tục ném đá vào các cầu thủ.
Theo New York Times, đỉnh điểm của những cuộc biểu tình nổ ra ở Đức. Cảnh sát tại Wuppertal bắt 2 thanh niên vì tình nghi ném bom xăng vào một thánh đường Do Thái vừa mới xây dựng tại thành phố. Tại Frankfurt, người ta đã gọi điện thoại đến một giáo sĩ Do Thái và tuyên bố sẽ giết 30 người Do Thái nếu gia đình họ ở Dải Gaza có người chết. Trong mỗi cuộc biểu tình diễn ra tại Đức, chính quyền địa phương buộc phải cắt cử người tuyên truyền các khẩu hiệu: “Không được đốt cờ Israel. Không được hô hào giết bọn Do Thái”. Tại Berlin, phát ngôn viên cảnh sát Stefan Redlich tuyên bố: “Chúng tôi hiểu rằng thế giới quan sát chúng tôi giải quyết tình hình như thế nào. Cần phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của những người phê phán quốc gia gây chiến và trong khi lên án đường lối bạo lực cũng phải bênh vực các nạn nhân Do Thái. Đường ranh giới ấy cần đươc tôn trọng”.
Cộng đồng Do Thái và cộng đồng Hồi giáo hiện nay đều phát triển nhanh ở Đức. Riêng tại Berlin có khoảng 30.000 người dân Do Thái. Sự bùng phát làn sóng chống Israel khiến các giới chính trị cùng các cơ quan truyền thông Đức đang muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hòa hợp với văn hóa Do Thái lo ngại xảy ra những hành động vượt tầm kiểm soát.
“Tôi thấy lo ngại về những ngày tháng sắp tới”, bà Carola Melchert-Arlt - hiệu trưởng một trường tiểu học tại Berlin chia sẻ. Bà Carola băn khoăn không biết số phận của gia đình mình, cùng với những gia đình gốc Do Thái không chỉ riêng tại Đức, mà còn ở những quốc gia châu Âu khác sẽ ra sao trong những ngày tới. Nỗi sợ hãi ngày càng lớn khiến một số người bỏ đeo những trang sức có hình Ngôi sao David- biểu tượng của dân tộc Do Thái vì lo ngại bị tấn công. Ngày càng nhiều người Do Thái đã rời khỏi Pháp trong vài tuần qua vì lý do an toàn. Ở Đức, nhiều gia đình gốc Do Thái đang có kế hoạch tương tự.
Các nhà phân tích e ngại những gì diễn ra tại châu Âu sẽ đẩy thành cuộc xung đột giữa cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo. Làn sóng bài Do Thái ngày càng lớn mạnh bao nhiêu thì càng nguy hiểm bấy nhiêu bởi xã hội châu Âu đang cần sự ổn định để lấy lại đà tăng trưởng.
THANH HẰNG