Châu Âu lúng túng trong xử lý khủng hoảng nước

30% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp nước căng thẳng trong những năm gần đây. Theo kết luận của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Living Rivers Europe Coalition, 90% lưu vực sông ở các quốc gia EU khác nhau vẫn sẽ không an toàn vào năm 2027.

Thiếu nước trầm trọng

2 lít nước là đủ để đáp ứng nhu cầu nước uống hàng ngày của một người, nhưng phải mất 3.000 lít nước cho nhu cầu thực phẩm. Việc đáp ứng nhu cầu này ngày càng trở nên thách thức đối với ngành nông nghiệp, khi việc tưới tiêu sử dụng tới 70% lượng nước ngọt trên toàn thế giới. Châu Âu vốn nhập khẩu rất nhiều thực phẩm. Theo ông Jippe Hoogeveen, quan chức cấp cao về đất và nước tại Liên hợp quốc, thực phẩm mà người châu Âu đang tiêu thụ có thể ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung từ các nơi khác trên thế giới, bởi lẽ một số sản phẩm nhất định sẽ không còn có thể sản xuất ở châu Âu, do thời tiết quá nóng.

Hồ chứa Los Bermejales ở Granada, Tây Ban Nha chỉ đầy 18%
Hồ chứa Los Bermejales ở Granada, Tây Ban Nha chỉ đầy 18%

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình hình này. Hồ chứa Darnius Boadella ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha chỉ đầy 20%, có nghĩa mức tiêu thụ nước trung bình hàng ngày phải giảm từ 230 lít nước cho mỗi người dân xuống còn 200 lít. Việc tưới nước cho mục đích nông nghiệp phần lớn sẽ bị cấm và việc sử dụng nước cho mục đích công nghiệp và giải trí phải giảm 25%.

Hồi tháng 8, vùng Catalonia đã tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp tại 24 ngôi làng gần biên giới Pháp, vì tầng chứa nước cung cấp đang cạn kiệt sau khi thiếu lượng mưa trong 30 tháng qua. Bộ trưởng Môi trường Pháp từng phải kêu gọi lãnh đạo 100 tỉnh, thành của nước này không nên do dự trong việc ban hành các biện pháp hạn chế sử dụng nước tại địa phương do mực nước ngầm ở mức thấp đáng báo động. Ở Italy, các chuyên gia cho biết, lần gần đây nhất Italy trải qua 2 năm hạn hán liên tiếp là 1989-1990, nhưng tình hình năm 2023 nghiêm trọng hơn. Tình trạng thiếu nước xảy ra ở hơn 30% diện tích cả nước ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Các quốc gia ở Bắc và Đông Âu cũng ngày càng bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng về nguồn cung cấp nước. Theo Euronews, ông Naho Mirumachi, Giáo sư chính trị môi trường tại King’s College London, cho biết: “Mọi người nghĩ rằng Vương quốc Anh là quốc gia có mưa nhiều, nhưng thực tế chúng tôi cũng đang trải qua nạn hạn hán”. Nguồn nước khan hiếm không chỉ là mối đe dọa đối với nông nghiệp, mà còn đối với ngành năng lượng, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên Net Zero.

Chính sách cơ bản vẫn chưa đủ

Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ lục địa nào, nhưng do từ lâu đã quen với mùa đông mát mẻ và lượng mưa cao, đều đặn, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có xu hướng ít quan tâm đến nguồn cung cấp nước. Trong vòng 30 năm tới, châu Âu sẽ phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt khiến việc tiếp cận nguồn nước trở nên khó khăn hơn.

Hạn hán, đường ống bị rò rỉ và chính sách yếu kém là một số yếu tố góp phần gây ra vấn đề khan hiếm ở lục địa này. Từ năm 2000, EU đã tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua Chỉ thị khung về nước nhằm đảm bảo chất lượng nước của châu Âu. Theo các đề xuất mới đây của Ủy ban châu Âu (EC), dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, các lĩnh vực gây ô nhiễm phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới cũng như các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nước thải phải trả tiền vì gây ô nhiễm. EU cũng cần xem xét việc thực hiện nghiêm kế hoạch mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với những ngành công nghiệp đang gây ô nhiễm nước thải.

Nước sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30-11 tới tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). COP28 sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề: bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt; đảm bảo người dân sinh sống tại các thành phố có quyền tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt; nâng cao khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất lương thực trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán.

Theo WWF, phục hồi sông là chìa khóa để giúp xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 10.000 đập thủy điện khổng lồ, đập nước và cống đã được dỡ bỏ, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, đã mang lại sự sống cho những dòng sông đang hấp hối từ Phần Lan đến Pháp, Anh đến Ukraine, Tây Ban Nha. Living Rivers Europe, liên minh gồm 6 tổ chức môi trường của châu Âu, cũng vừa đề xuất luật mới về khả năng chống chọi với khí hậu và nước.

Theo đó, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cung cấp cho EU những công cụ mạnh mẽ hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng cách tạo ra một mạng lưới dự trữ nước tự nhiên, cung cấp đủ tài chính cho bảo vệ và khôi phục các cảnh quan “bọt biển” tự nhiên như đất than bùn, đồng thời góp phần đặt ra các mục tiêu về hiệu quả sử dụng khai thác nước.

Tin cùng chuyên mục