Trở lại châu Âu lần này, điều cuốn hút nhất đối với tôi là những vùng đất mới và những cảm nhận mới. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, châu Âu là một trong những điểm nóng nhất, khiến chúng tôi có cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Di sản và...
Phải công nhận, hầu hết các quốc gia châu Âu là một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người. Những di chỉ còn lưu lại có niên đại cách đây hàng vạn năm minh chứng điều ấy. Đến Paris thăm tháp Eiffel, một kỳ quan của thế giới do kiến trúc sư nổi tiếng Agustave Eiffel thiết kế, từ những năm cuối thế kỷ thứ 19; nhà thờ Đức Bà Paris bên dòng sông Seine thơ mộng… Thăm các nhà thờ nổi tiếng ở châu Âu, tôi ngộ rằng, nhà thờ Đức Bà Paris chưa hẳn là nhà thờ lớn nhất, cổ kính nhất trên thế giới. Nhưng đó thực sự là một địa danh nổi tiếng, gắn liền với tiểu thuyết “Thằng gù trong nhà thờ Đức Bà” của đại thi hào Victor Hugo viết vào năm 1831.
Mặc cho cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc cho sự bất ổn chính trị ở các quốc gia đã từng được coi là vùng đất yên bình của trái đất, hàng ngày du khách thập phương vẫn đổ về đây. Tôi đã gặp dòng người đa sắc tộc, đủ mọi lứa tuổi, tôn giáo xếp hàng vào thăm nhà thờ Đức Bà Paris với vẻ tôn kính, ngưỡng mộ. Chị Akrena, một phụ nữ trung tuổi đến từ nước cộng hòa tự trị Crimea nói, đất nước chúng tôi đang có biến động chính trị. Đến đây, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Cầu Chúa lòng lành cho chúng sinh được bình yên.
Đáp máy bay từ Paris xuống Nice, TP du lịch lớn thứ 2 của nước Pháp nằm bên biển Địa Trung Hải, nơi đây được mệnh danh là nữ hoàng của vùng Cote d”Azur với những danh thắng vừa cổ kính, vừa hiện đại như nhà thờ Basillique, thị trấn cổ Old Town, Bảo tàng Matisse… Chiều. Trời lạnh. Nắng vàng như mật ong, chúng tôi thả bộ dọc biển Promenade des Anglais. Quả thực ai đã đặt cho nơi đây là “Niềm vui cuộc sống”, “Thiên đường mộng mơ” thật chẳng ngoa. Du khách dạo phố bằng tàu hỏa chuyên dụng, trượt patanh, trượt ván, đi xe đạp hay đi bộ đều được hưởng không khí trong lành và những sợi nắng óng ánh màu mật ong của biển Địa Trung Hải. Đi dưới tán những cọ cổ thụ, tôi liên tưởng đến những rặng dừa thướt tha ở các thành phố biển của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... Thực sự, xét về yếu tố khách quan, các cảng, TP biển của chúng ta không kém gì các cảng biển trên thế giới. Vấn đề còn lại là công tác quy hoạch, đầu tư và quản lý. Nếu không chú ý đến các yếu tố mang tính tiền đề ấy thì ngành du lịch nước ta không thể nào “cất cánh” được.
Chúng tôi đến thăm Monaco, một quốc gia được coi là nhỏ thứ hai trên thế giới (sau Vatican). Với diện tích hơn 2km², dân số trên 35.000 người, Monaco là một trong những nước có GDP tính theo đầu người cao nhất thế giới. Trong khi GDP tính trên đầu người/năm ở Việt Nam chừng 2.000 USD thì ở Monaco là 216.000 USD. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, dường như chúng tôi đã đi hết quốc gia Monaco. Câu hỏi đặt ra là: điều gì đã mang lại thu nhập lớn cho đất nước nhỏ bé và giàu có này? Có nhiều yếu tố. Nhưng có lẽ, trước hết là dịch vụ và du lịch. Các sòng bạc (casino) tấp nập ngày đêm. Dường như các con bạc có máu mặt nhất trên thế giới đều đổ về đây, xài tiền như nước.
Ra phố là gặp cổ vật. Một người bạn đồng hành đã nói với tôi như vậy khi đặt chân đến Roma, thủ đô của nước cộng hòa Italia. Đúng như thế, có đặt chân đến Đấu trường La Mã giữa thành Roma cổ kính, mới cảm nhận hết giá trị của nó. Được xây dựng khoảng năm 70 sau công nguyên dưới thời Hoàng đế Vespasian, đây là công trình lớn nhất của đế chế La Mã với sức chứa 50.000 người.
Được xây dựng từ thời đế chế La Mã, thành Vatican, sau này là Thành quốc Vatican cũng là một trong những di sản văn hóa vật thể cổ xưa của Italia. Với diện tích trên 40 ha và dân số trên 800 người, xét dưới góc độ diện tích và dân số, Vatican là một quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nhưng đây lại là một trong những vùng đất bảo tàng thu hút du khách nhiều nhất thế giới. Mỗi năm có hàng chục triệu lượt khách du lịch đặt chân tới đây. Hàng tỷ người theo Kito giáo trên toàn thế giới, có một phần được hưởng lợi từ đây. Các nhà thờ Kito giáo mọc lên khắp nơi, chắc chắn có sự chi viện từ tổng hành dinh này.
Thách thức
Di sản nhiều, truyền thuyết lắm, nhưng tôi có cảm giác các vùng đất bảo tàng, di sản này đang đứng trước những thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là nguồn kinh phí để bảo tồn. Từ sân bay Roma vào trung tâm Vatican, đường sá bụi bặm, các thùng rác chen chúc cùng ô tô đủ loại dọc đường. Cùng với Tây Ban Nha, Hy Lạp… tài chính công của nước Italia cũng mấy phen đứng bên bờ vực thẳm. Có lẽ thế, nhà nước không đủ ngân sách chi cho việc duy trì, bảo tồn di sản. Dọc các con đường dẫn vào Vương cung Thánh đường Thánh Phero và nhà nguyện Sistine, vẫn phảng phất đâu đây mùi phóng uế thường gặp ở các bến tàu xe, nơi công cộng ở Việt Nam.
Một thách thức nữa là tệ nạn xã hội. Thành Vatican có tỷ lệ tội phạm tính trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, gấp 20 lần so với nước Italia. Đã được cảnh báo trước về nạn cướp giật, nhưng chỉ trong gang tấc chiếc ví trong túi tôi suýt nữa không cánh mà bay. Ấy là khi từ tòa thánh Vatican về bãi đậu xe. Một phụ nữ trùm khăn kín mặt áp sát tôi. Nhanh như cắt, tôi nhận ra có bàn tay đang lục soát túi áo mình. Tôi la lên. Cả đoàn xúm lại hỗ trợ. Cứ nghĩ bị bắt quả tang, người phụ nữ bồng con sẽ bỏ chạy. Ngược lại, như không có chuyện gì xảy ra, chị ta cứ trơ tráo cầu xin điều gì đó. Tôi phát hiện, trên tay chị ta không có đứa trẻ nào hết mà là một búp bê.
Mùa tuyết tan
Tháng 3, châu Âu đang là mùa tuyết tan. Nhưng thực sự trong lòng nó đang tiềm ẩn sự đóng băng, giá lạnh. Một hướng dẫn viên du lịch ở Frankfurt đã chia sẻ với chúng tôi như vậy. Trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, nước Đức của bà Angela Merkel được coi là một trong những nơi ổn định nhất châu Âu.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CPTM Công thương Việt Nam (VietinBank-VTB), kiêm Tổng giám đốc Chi nhánh VTB tại CHLB Đức Nguyễn Đức Thành cho biết, Frankfurt là TP lớn thứ 5 của Đức, một trung tâm thương mại lớn, nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Deutsche Bank, Dresdner Bank, Commerz Bank... Thị trường chứng khoán Frankfurt là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Chọn nơi này mở đầu cho chiến lược phát triển mạng lưới ngân hàng quốc tế của mình, từ năm 2011, VTB đã khai trương chi nhánh tại đây. Cùng với Chi nhánh VTB ở Berlin, Chi nhánh Frankfurt đã vượt qua thử thách, từng bước ổn định. Kết quả bước đầu ấy, không chỉ ở hiệu quả kinh doanh mà hơn hết là những kinh nghiệm hoạt động ngân hàng giữa thời hội nhập và khủng hoảng tài chính này .
Tôi đã có dịp tiếp xúc với một số Việt kiều đang sinh sống ở Frankfurt và Berlin, mới hiểu “mùa tuyết tan” ở quê hương thứ hai của họ. Khủng hoảng tài chính cùng sự biến động về chính trị đã làm cho lòng người ở đây bất an. Anh Hàn, một thương gia ở Berlin nói, tôi sang đây sinh sống đã hơn 25 năm. Làm ăn lúc được, lúc mất. Chỉ mong có ngày hồi hương, sum họp gia đình. Việt Nam bây giờ là điểm đến của các nhà đầu tư, dễ làm ăn. Đất nước ổn định, chính sách xã hội được cải thiện. Còn chần chừ gì nữa mà không về quê cha đất tổ.
Dưới cánh bay, châu Âu tuyết đang tan. Nhưng băng giá vẫn còn.
TRẦN THẾ TUYỂN