Chuyến công du đầu năm đến các nước châu Âu của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với sứ mệnh “giải cứu châu Âu” hiện đang trở thành đề tài xuất hiện thường xuyên trên các báo trong và ngoài nước với thái độ e dè.
Lục địa già lo ngại
Tuy EU đang rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực, nhưng khối này vẫn tiếp nhận sự hỗ trợ với thái độ cảnh giác.
Ủy viên công nghiệp Liên minh châu Âu (EU) Antonio Tajani tuyên bố, EU cần phải bảo vệ những ngành công nghiệp chiến lược khỏi sự ảnh hưởng của những công ty nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc. Dư luận EU cho rằng, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội EU gặp hoạn nạn, tung tiền ra để tăng cường thâu tóm nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả nhiều lĩnh vực kinh tế ở châu Âu.
Trước cuộc gặp Chính phủ Anh, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến Scotland và ký thỏa thuận hợp tác về xử lý nước thải trị giá 10 triệu USD. Tại Đức, Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về tài chính tiền tệ, kinh tế, thương mại, công nghiệp, năng lượng… trị giá lên tới mức kỷ lục là 8,7 tỷ USD. Tại Tây Ban Nha, Trung Quốc đồng ý mua lượng trái phiếu của nước này trị giá 6 tỷ euro. |
Trong năm 2010, đầu tư của Bắc Kinh vào Liên minh châu Âu đã tăng 12%, lên 50 tỷ USD, gấp 10 lần số vốn của EU rót vào Trung Quốc, biến nước này thành nhà đầu tư lớn thứ ba của EU. Theo Cục Thống kê Eurostat, xuất khẩu của EU vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm ngoái khoảng 108 tỷ USD, trong khi chiều ngược lại lên đến 267 tỷ USD.
EU cũng nhận định rằng trong kế hoạch giải cứu EU, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Khi EU thành “con nợ”, chắc chắn Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước trong vấn đề tăng giá đồng nhân dân tệ. Có thể, Trung Quốc muốn dùng châu Âu để làm đối trọng với Mỹ trong một số vấn đề về tỷ giá nhân dân tệ. Bắc Kinh vốn đang có quả đấm lớn nhất thế giới là 2.648 tỷ USD dự trữ, một nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ đủ để nước này tiếp tục mở rộng việc phát triển tài chính, kinh tế.
“Thế giới không nên sợ Trung Quốc”
Đây là lời của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bài viết được đăng tải trên Tạp chí Financial Times số ra ngày 9-1. Ông Lý cho rằng, Trung Quốc hiện đang trở thành một trong những kiến trúc sư trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế toàn cầu, luôn sát cánh với quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn mà nhiều nước đang gặp phải. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cho 50 quốc gia đang phát triển vay những khoản nợ lên tới 4 tỷ USD.
Báo chí Trung Quốc nhận định về chuyến công du của Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường là nhằm mục đích mở rộng thị trường tại các nước châu Âu. Việc duy trì dự trữ ngoại hối bằng đồng euro phù hợp với chiến lược lâu dài của Trung Quốc, là đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của mình, vì về lâu về dài, việc đồng USD sụt giá không thể tránh khỏi, khiến cho tài sản bằng đô la của Trung Quốc sẽ bị tổn thất. Vì vậy, Bắc Kinh cần một khu vực đồng euro vững mạnh. Ngoài ra, họ giúp đỡ về tài chính để người tiêu dùng châu Âu có thể tiếp tục mua sản phẩm của Trung Quốc.
THANH HẰNG