Hãng Reuters đưa tin sau khi Quốc hội Hy Lạp một lần nữa không bầu được tổng thống, Thủ tướng nước này Antonis Samaras đã buộc phải đưa ra quyết định không hề mong muốn: tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 25-1 tới. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra không chỉ đe dọa Chính phủ đương nhiệm của Hy Lạp mà còn cả châu Âu.
Ông Alexis Tsipras trong một cuộc vận động tranh cử tại thủ đô Athens.
Chiến thắng cho Syriza
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất đều cho thấy là đảng cực tả Syriza, chủ trương chống chính sách khắc khổ của Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu và hơn 3 điểm so với đảng Dân chủ mới của đương kim Thủ tướng Samaras. Trước đó, giới quan sát cũng dự đoán phần thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ thuộc về đảng Syriza. Cuộc bầu cử sắp tới gợi nhớ lại thời kỳ cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp suýt chút nữa đã làm tan rã Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Một dấu hiệu cho thấy các chủ nợ của Hy Lạp đang lo ngại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tạm ngưng trợ giúp tài chính cho Athens để chờ xem diễn tiến tình hình. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết đang chờ ý kiến của Chính phủ Hy Lạp về kế hoạch trợ giúp nước này.
Từ năm 2010 cho đến nay, Hy Lạp sống nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (IMF, ECB và EU). 3 định chế này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, kế hoạch khắc khổ này đã khiến người dân Hy Lạp quá mệt mỏi và vì vậy, họ sẵn sàng dồn phiếu cho đảng Syriza trong cuộc bầu cử sắp tới.
Cổ vũ chống khắc khổ
Sau thất bại của cuộc bầu cử tổng thống hôm 29-12 vừa qua, Chủ tịch đảng Syriza, Alexis Tsipras tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử. Với quyết tâm của nhân dân, trong vài ngày nữa, các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, tương lai có thể bắt đầu từ đây”.
Đáp lại tuyên bố nói trên của ông Tsipras, Ủy viên châu Âu đặc trách kinh tế Pierre Moscovici đã ngay lập tức ra thông cáo kêu gọi cử tri Hy Lạp ủng hộ các cải tổ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, rất cần thiết cho Hy Lạp. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng khẳng định không có con đường nào khác ngoài những cải tổ hiện nay ở Hy Lạp.
Đến nay, những ý định của đảng Syriza vẫn chưa rõ ràng, khiến các chủ nợ càng thêm lo ngại. Đảng cực tả này không muốn Hy Lạp rời Eurozone nhưng yêu cầu các chủ nợ trước hết phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp (hiện đã chiếm tới 175% GDP). Nếu không đạt được thỏa thuận này, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và sẽ rời khỏi Eurozone. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng khả năng xảy ra kịch bản Grexit (Hy lạp rời khỏi Eurozone) là 30%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng khủng hoảng Hy Lạp lần này khó có thể lan sang toàn bộ Eurozone vì dù có thắng cử, đảng Syriza cũng sẽ buộc phải thay đổi lập trường cứng rắn đối với các chủ nợ. Một trong những dấu hiệu cho thấy ông Tsipras đã mềm mỏng hơn khi không còn đe dọa đơn phương ngừng trả nợ nếu đảng Syriza lên nắm quyền. Hơn nữa, kể từ khủng hoảng nợ công của Hy Lạp lần trước, Eurozone đã thiết lập nhiều “tuyến phòng thủ” như Cơ chế ổn định châu Âu. Ngoài ra, ECB cũng đã cam kết sẽ bằng mọi giá bảo vệ đồng tiền chung...
Vấn đề chính ở đây là về mặt chính trị. Thắng lợi của đảng Syriza ở Hy Lạp sẽ cổ vũ và củng cố sức mạnh cho các đảng chống khắc khổ tại những nước khác ở châu Âu, như tại Tây Ban Nha, nơi mà đảng Podemos chủ trương chống cải tổ theo hướng tự do, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử tháng 11 tới. Khi đó, châu Âu mới thực sự mệt mỏi.
ĐỖ CAO (tổng hợp)