Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua thu hút được đông đảo sự quan tâm của báo chí và giới học giả lục địa già. Bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng tại Berlin về những thách thức an ninh ở châu Á, trong đó nhấn mạnh tới những bất ổn trên biển Đông, được giới học giả hoan nghênh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin (Đức) ngày 15-10.
Phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế
Theo TTXVN, Tiến sĩ Gerhard Will - chuyên gia chính trị quốc tế của Đức, nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và chính trị Đức, khẳng định, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ rằng xung đột ở biển Đông chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, và một giải pháp cho vấn đề này cũng phải dựa trên cơ sở đa phương. Quan điểm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phù hợp với chủ trương nhất quán của Đức và châu Âu là xử lý tranh chấp ở biển Đông chỉ có thể bằng con đường hòa bình, đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo Tiến sĩ Gerhard Will, những điều phải làm hiện nay là cơ sở nhận thức chung, cần có thêm những bước đi cụ thể nhằm đảm bảo luật pháp quốc tế được duy trì và thực thi. Ông cho biết, Chính phủ Philippines đã có một bước đi quan trọng là kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển và cho rằng Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều sẽ ủng hộ những bước đi này, nếu chúng dựa trên sự đồng thuận của các bên có tranh chấp ở biển Đông.
Trả lời câu hỏi liệu Đức và EU có thể làm gì để tham gia bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will cho biết, Chính phủ Đức và EU trước tiên có thể đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế hoặc cơ chế hợp tác đa phương, như họ đã đề cập tại Hội nghị thượng định ASEM lần thứ 10 vừa diễn ra ở Milan; đồng thời tiếp tục dẫn dắt các cuộc thảo luận về chủ đề này tại các diễn đàn khác trong thời gian tới. Thứ hai, theo ông Gerhard Will, Chính phủ Đức và EU có thể ủng hộ những giải pháp cụ thể được Việt Nam hoặc các nước ASEAN khác đưa ra liên quan tình hình biển Đông.
Thiệt hại cho Trung Quốc
Về việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực gần đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Tiến sĩ Gerhard Will cho rằng, rõ ràng Bắc Kinh đang theo đuổi chiến thuật tạo dựng sự chiếm hữu trên thực tế bằng con đường đơn phương, giống như nước này đã làm hồi tháng 5-2014 vừa qua khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hiện nay là xây đảo nhân tạo với mục đích có thể là thiết lập các căn cứ quân sự ở đây.
Chuyên gia Đức khẳng định, hành động này của Trung Quốc đã vi phạm những điều Bắc Kinh đã ký trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 mà trong đó, tất cả các bên đã cam kết không được đơn phương phá vỡ hiện trạng ở các khu vực và đảo có tranh chấp.
Ông Gerhard Will cũng cho rằng, cách làm hiện nay của Trung Quốc có thể gây ra những thiệt hại kinh tế cho chính nước này, bởi nếu mối quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN xấu đi sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực cho chính sự tăng trưởng kinh tế và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc không thể vừa gia tăng hành động đơn phương nhằm đòi hỏi các yêu sách về chủ quyền ở biển Đông, lại vừa muốn duy trì quan hệ đối tác chính trị và kinh tế tốt đẹp với các nước ASEAN. Trung Quốc sẽ phải quyết định điều quan trọng hơn, hoặc hợp tác kinh tế cùng phát triển với ASEAN hoặc gia tăng yêu sách đòi chủ quyền ở biển Đông.
| |
ĐỖ CAO (tổng hợp)