Mỹ xoay trục về châu Á luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận thế giới thời gian qua. Chủ đề nóng này đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo có chủ đề: Châu Âu và Mỹ “xoay quanh” châu Á - Các thách thức và lựa chọn, diễn ra tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, ngày 17-3.
Diễn giả là Tiến sĩ Gudrun Wacker, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách quốc tế và an ninh Đức (SWP), trụ sở tại Berlin (Đức), người rất am tường về Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương.
Sau khi cung cấp cho hàng trăm sinh viên và khách mời cái nhìn tổng quát về chính sách xoay trục của Washington, Tiến sĩ Wacker đã tiếp cận vấn đề ở một khía cạnh ít đề cập đến, đó là phản ứng của châu Âu về chính sách của đồng minh. Theo bà Wacker, sau khi Mỹ chính thức công bố chính sách xoay trục về châu Á vào 2009, Washington đã nhanh chóng xúc tiến kế hoạch trên. Điều này được thấy rõ trong cả tuyên bố và hành động của giới chức cấp cao Mỹ. Về quân sự, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Washington sẽ chuyển 60% lực lượng quân đội (hải quân) từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Về ngoại giao, Mỹ ưu tiên hàng đầu cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chuyến thăm hàng loạt nước châu Á năm 2009 của Ngoại trưởng khi đó là bà Hillary Clinton. Về kinh tế, Mỹ triển khai Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Châu Âu đã lo lắng thật sự. Liên minh châu Âu (EU) quan ngại với việc chuyển trọng tâm sang châu Á, Mỹ sẽ dần dần bỏ rơi châu Âu, để châu Âu tự giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi năm 2011 đã phần nào minh chứng cho nỗi lo của EU. Mỹ chỉ cổ vũ việc lật đổ ông Gaddafi nhưng không trực tiếp tham gia chiến sự. Gánh nặng về quân sự được dồn cả lên EU. Mỹ cũng đang dần lơ là đến khu vực Trung - cận Đông, nơi mà châu Âu và Mỹ có nhiều lợi ích chung...
Trong một động thái nhằm trấn an đồng minh lâu năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich 2012 rằng: Mỹ không để chính sách chuyển trục sang châu Á làm suy yếu quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, bà Clinton cũng nhấn mạnh EU cần phải tự chủ trong an ninh chứ không thể chỉ hưởng thụ những thành quả sẵn có.
Hơn lúc nào hết, EU hiểu rằng châu Âu phải tự giải quyết những vấn đề của mình và muốn vậy phải tăng cường hơn nữa thực lực của mình. Châu Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những đối tác quan trọng của EU. Thách thức được đặt ra là châu Âu tự định vị như thế nào tại khu vực? Về vấn đề an ninh, châu Âu có truyền thống tập trung nguồn lực cho khối và các vùng lân cận như khu vực Balkan, châu Phi, Afghanistan... Hơn nữa, theo bà Wacker, có một thực tế là châu Âu cũng không đủ nguồn lực để có thể vươn xa sang những khu vực khác. Vì vậy, châu Âu sẽ khó để quân đội hiện diện tại châu Á như Mỹ trong vấn đề hợp tác về an ninh. Hợp tác chủ lực của EU tại khu vực châu Á chỉ có kinh tế. Hiện châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của các quốc gia châu Á. EU mong muốn Á-Âu sẽ hợp tác sâu rộng hơn nữa để hàng hóa của châu Âu có thể thâm nhập vào một thị trường đầy tiềm năng, nơi chiếm 60% dân số thế giới. Vậy có thể xem hợp tác về kinh tế cũng là một động thái xoay trục về châu Á của châu Âu trong bối cảnh châu Âu tăng cường tiềm lực của chính mình.
ĐỖ VĂN