Châu Phi tăng tốc

Diễn đàn đầu tư kinh doanh Nhật Bản - châu Phi kết thúc vào ngày 2-9 tiếp tục đánh dấu mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Tokyo và lục địa đen.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị tại Addis Ababa (Ethiopia), hơn 300 nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao, những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư của Nhật Bản và châu Phi đã tham dự các diễn đàn thảo luận các cơ hội hợp tác kinh tế và thúc đẩy đầu tư song phương ở các lĩnh vực tài chính, năng lượng, nông nghiệp, hậu cần, kỹ thuật và giao thông. Trước diễn đàn này, hồi tháng 7, Hội thảo phát triển cơ sở hạ tầng Nhật Bản - Kenya, được tổ chức tại Nairobi, cũng đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ phía các nhà đầu tư ở Nhật Bản và Kenya.

Truyền thông châu Phi cho biết, trong năm 2014, tổng số tiền đầu tư từ châu Á đổ vào châu Phi là 4,2 tỷ USD, trong đó có 3,5 tỷ USD từ Nhật Bản. Số tiền đầu tư kỷ lục này đưa Nhật Bản trở thành một trong những đối tác châu Á hàng đầu tại châu Phi, trong bối cảnh đầu tư từ Trung Quốc tại châu lục này đang có dấu hiệu chững lại. Tokyo hiện đang xem xét cấp thêm một gói viện trợ lên đến 12,5 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm, kể từ năm 2016. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố khoản viện trợ tài chính này trong vòng tiếp theo của Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD). Hiện Nhật Bản và các quốc gia châu Phi đang lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh TICAD lần thứ sáu ở Kenya vào tháng 8-2016.

Việc tăng tốc đầu tư cho thấy, châu Phi được coi là một mặt trận ngoại giao của Nhật Bản. Lục địa này gần đây đang nổi lên là một khu vực kinh tế với nhiều tiềm năng phát triển chưa khai thác hết. Chính phủ Nhật Bản đã xác định chuyển từ việc coi châu Phi như một đối tượng nhận viện trợ thành một đối tác kinh tế và đầu tư. Động thái mở rộng hướng đầu tư sang châu Phi cũng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Donald Kaberuka, lên tiếng kêu gọi các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào châu Phi. Theo ông Donald Kaberuka, nguồn ngân sách cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi theo ước tính lên tới khoảng 50 tỷ USD/năm không thể thực hiện được đủ nếu chỉ có nguồn tài chính công. Các công ty Nhật Bản có thể đóng góp vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế nhanh của châu Phi. Châu Phi hiện có nguồn tài nguyên xanh vô cùng phong phú có thể phát triển năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và thủy điện, vốn là thế mạnh của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản luôn khẳng định việc mở rộng quan hệ với châu Phi hoàn toàn không phải để cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào. Tokyo chỉ muốn mang tới những gì mà châu lục này thật sự cần như phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng tốt, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, y tế, nông nghiệp xanh, nước sạch và năng lượng. Sự giúp đỡ sòng phẳng và đôi bên cùng có lợi của Nhật Bản đang được các nước châu Phi chào đón. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục hợp tác theo xu hướng thân thiện và cởi mở, đúng như mong muốn của Tokyo.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục