Bởi nhiều năm qua, sau lũ nhỏ, ĐBSCL sẽ đối diện hạn - mặn khốc liệt. Đây được xem là thách thức lớn cho vụ lúa đông xuân, khi nhiều dấu hiệu cho thấy hạn - mặn sẽ đến sớm hơn trong mùa khô tới đây.
Mở đê lấy phù sa
Trong gần 10 năm trở lại đây, ĐBSCL đã thoát khỏi cảnh “né lũ” khi cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản để thích ứng với lũ. Trong khi đó, lượng nước sông Mê Công đổ về hạ nguồn ngày càng ít đi do các nước xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Lũ nhỏ, tình hình hạn - mặn ở ĐBSCL ngày càng khốc liệt. Nông dân trồng lúa đông xuân và hè thu phải gánh chi phí sản xuất nhiều hơn, nguy cơ rủi ro do thiên tai tăng lên.
“Năm nào nghe báo đài đưa tin có lũ lớn ở đầu nguồn, nông dân ở đây mừng. Vì lũ lớn, nước ngọt nhiều sẽ đẩy được nước mặn. Ngược lại, lũ nhỏ, nông dân ở đây chịu thiệt thòi do hạn mặn gây ra”, nông dân Huỳnh Văn Ba ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nói trong lo lắng. Hiện tại nhiều nông dân ở hạ nguồn sông Cửu Long đang tranh thủ thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3).
“Vụ này, lúa trúng mùa, gần 8 tấn/ha. Lúa bán với giá gần 5.000 đồng/kg, lãi gần 50 triệu đồng. Tính ra, mức lãi này cao hơn vụ hè thu vừa qua, do chi phí đầu tư ít và năng suất lúa cũng đạt hơn”, ông Trần Văn Dương (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cho biết. Điều đáng mừng là các địa phương ở ĐBSCL đã giảm đáng kể diện tích lúa thu đông. Lúc cao điểm, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL lên đến 900.000ha. Giờ các địa phương chỉ còn sản xuất khoảng 650.000 - 700.000ha. Đồng Tháp và An Giang, hai địa phương có hệ thống đê bao khép kín lớn nhất vùng ĐBSCL, lại có diện tích lúa thu đông giảm mạnh. Nên khi bỏ canh tác lúa vụ 3, các địa phương sẽ mở đê lấy nước, dẫn phù sa cho đồng ruộng cũng là cách tích nước ngọt.
Trong những năm gần đây, diện tích gieo trồng các nhóm giống lúa thơm, đặc sản ở ĐBSCL cải thiện đáng kể: Tăng từ 11,4% năm 2015 lên 17,5% vào năm 2018; giống lúa chất lượng cao từ 39,8% năm 2015 lên 41% vào năm 2018. Cụ thể trong vụ hè thu 2019, diện tích giống lúa thơm, đặc sản chiếm 24,8%; nhóm lúa chất lượng cao chiếm 44%, nhóm lúa chất lượng trung bình chiếm 19%, nhóm nếp chiếm 7,2% và các giống còn lại chiếm 50%. Trong thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã tăng cường công tác nghiên cứu để chọn tạo các giống lúa có chất lượng gạo và giá trị dinh dưỡng cao và có kết quả ban đầu rất tốt với giống lúa OM8 và OM9. Đây là hai giống lúa cho gạo ít bạc bụng, cơm mềm dẻo, vị ngọt và có mùi thơm dậm. |
Giúp nông dân giảm chi phí
“Các tổ hợp tác, HTX, phòng nông nghiệp đã chuẩn bị nguồn giống xác nhận có phẩm cấp cao để cung cấp cho nông dân. Ngoài ra, các biện pháp canh tác kỹ thuật tiến tiến sẽ được triển khai để giúp nông dân áp dụng trên diện rộng. Đây được xem là hai giải pháp căn cơ để giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận trong vụ đông xuân”, ông Trần Chí Hùng cho biết.
Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc sử dụng công cụ và máy gieo lúa theo hàng, kỹ thuật sạ hàng là một đột phá trong kỹ thuật canh tác lúa đến nay đã được nông dân ĐBSCL ứng dụng khoảng 20% diện tích đem lại hiệu quả rất lớn: giảm 50% lượng hạt lúa giống (từ 200 - 250 kg/ha xuống còn 120 kg/ha). Bên cạnh đó, việc khuyến cáo giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật tăng năng suất là giải pháp chủ lực cho chương trình 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Riêng ở Nam bộ có khoảng 700.000ha trồng lúa áp dụng máy sạ hàng, tiết kiệm riêng về lúa giống: 100 kg/ha x 10.000 đồng/kg x 700.000ha = 700 tỷ đồng/năm.
“Để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, rất mong các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, mặc dù thị phần không lớn, nhưng có giá trị kinh tế rất cao, mà chưa được quan tâm đúng mức” - TS Trần Ngọc Thạch đề xuất.
Ngày 4-10, đập Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang) bắt đầu xả lũ nhằm kiểm soát lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên, cung cấp phù sa, tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng và tạo điều kiện cho người dân khai thác thủy sản mùa lũ... |