Tờ Washington Times dẫn lời các nhà phân tích cho biết, Nga đã đầu tư hàng tỷ USD vào các tên lửa có tốc độ siêu thanh trong khi Trung Quốc cũng đang phát triển loại vũ khí này, đe dọa vị thế quân sự của Mỹ.
Cuộc đua nước rút để giành lại lợi thế trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh tập trung vào tên lửa và máy bay chiến đấu với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất 5 lần. Tốc độ, độ chính xác và độ sát thương của loại vũ khí mới này có nguy cơ khiến các khí tài quân sự truyền thống như xe tăng, tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Tổng thống Nga Vladimir Putin tự hào, nước Nga sở hữu 1 tên lửa có đầu đạn hạt nhân siêu thanh, có thể tránh hầu như mọi hệ thống phòng thủ trên Trái đất, kể cả của Mỹ.
Mặc dù khả năng vũ khí siêu thanh của Nga rất mạnh, các nhà phân tích cho rằng, vũ khí loại này của Trung Quốc còn là mối đe dọa lớn hơn. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc, kín đáo hơn ông Putin, đã sử dụng chiến lược bí mật hơn, kéo dài hàng thập niên để nghiên cứu và sao chép những thành quả về vũ khí siêu thanh trên thế giới. Ông Mark Lewis, Giám đốc Chính sách khoa học và công nghệ tại Viện Phân tích quốc phòng Mỹ, cho rằng, Mỹ đã “làm bài tập về nhà cho Trung Quốc. Họ xây dựng dựa trên những nỗ lực của chúng tôi”.
Ông John E. Hyten, chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, cho biết, Mỹ lẽ ra nên theo đuổi công nghệ vũ khí siêu thanh một cách nhất quán và nhanh chóng trong nhiều năm qua nhưng đã không làm như vậy. Ông Hyten đang chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn để trở thành phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định, vũ khí siêu thanh có thể khiến sức mạnh truyền thống của máy bay, tàu và xe tăng Mỹ gần như vô dụng. Tên lửa siêu thanh đặc biệt nguy hiểm. Chúng được thiết kế với tốc độ kinh ngạc và khả năng cơ động cao. Vì vậy, sẽ không còn cần một lực lượng không quân hạng nhất để đối đầu với Mỹ. Thậm chí, có nguy cơ các nước có thể sử dụng tên lửa siêu thanh để đánh chìm tàu sân bay của Mỹ.
Các nhà phân tích nhận định, có vô số yếu tố khiến Mỹ mất lợi thế, bao gồm cả những khó khăn cố hữu trong hệ thống của Mỹ. Cơ quan phòng thủ tên lửa Lầu Năm Góc đã thừa nhận có sự thiếu hụt lớn trong ngân sách dành cho nghiên cứu chống vũ khí siêu thanh. Cơ quan này cho rằng, khoản ngân sách cho năm 2020 là 157 triệu USD để nghiên cứu đánh bại vũ khí siêu thanh nên được tăng gấp 4 lần. Trong một nghiên cứu được tiến hành năm 2018, Rand Corp, một nhóm chuyên gia cố vấn phi lợi nhuận, cho rằng, ngay cả khi Mỹ tăng cường nghiên cứu vũ khí siêu thanh, Washington vẫn phải đi đầu trong việc đưa ra một hiệp ước về tên lửa siêu thanh toàn cầu với Nga và Trung Quốc, ít nhất là nhằm hạn chế, không phổ biến loại vũ khí này. Nhưng một số nhà phân tích dự đoán, Moscow và Bắc Kinh sẽ không hứng thú để chấp nhận một hiệp ước như vậy.