"Chạy trường"- giải quyết như thế nào?

Thực trạng chạy trường đã tồn tại từ nhiều năm nay và ngày một nặng nề hơn. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do tâm lý phụ huynh ai cũng muốn cho con em mình được vào học trường tốt, nên mới có tình trạng ở ngoại thành thì muốn vào nội thành, nội thành thì muốn vào quận trung tâm... Đã đến lúc phải giải quyết nghiêm khắc và triệt để vấn đề này. Ý kiến của bạn như thế nào?
"Chạy trường"- giải quyết như thế nào?
"Chạy trường"- giải quyết như thế nào? ảnh 1
Được học tập ở một ngôi trường tốt là niềm ao ước của nhiều phụ huynh. Ảnh: K.P


Thực trạng chạy trường đã tồn tại từ nhiều năm nay và ngày một nặng nề hơn. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do tâm lý phụ huynh ai cũng muốn cho con em mình được vào học trường tốt, nên mới có tình trạng ở ngoại thành thì muốn vào nội thành, nội thành thì muốn vào quận trung tâm... Đã đến lúc phải giải quyết nghiêm khắc và triệt để vấn đề này. Ý kiến của bạn như thế nào?

Đầu tư cho các trường đầy đủ điều kiện để thành trường có chất lượng chuẩn

“Chạy” trường điểm là chuyện mà vài năm trở lại đây ngày càng gay gắt phức tạp. Đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực gây hoang mang, lo lắng trong phụ huynh có con em trong diện vào mẫu giáo, lớp 1, lớp 6, lớp 10. Rõ ràng là quản lý ngành cấp sở đã quy định rất rõ. Từ việc phân bổ học sinh về các trường thuộc quận, huyện cho đến điểm chuẩn cụ thể, kèm những điều kiện về hộ khẩu rõ ràng, cùng những trường hợp đặc biệt cụ thể do yêu cầu công tác của cha mẹ cần giải quyết đảm bảo cho các em học tập.

Để hạn chế tình trạng “chạy” trường, nên chăng trước hết ta cần tích cực đầu tư cho các trường đầy đủ điều kiện để thành trường có chất lượng chuẩn. Đó là cơ sở quan trọng để phụ huynh không còn tâm lý chọn trường tốt như hiện nay dù có khi vào trường mới thấy nhiều bất cập đang dành cho con em họ.

Nên chăng phải có sự quan tâm giáo dục tư tưởng và đạo đức cũng như sự nghiêm minh của pháp luật đang được thực hiện trong ngành giáo dục - đào tạo. Cần chấm dứt việc gởi thư tay, lệnh miệng, lợi dụng chức vụ, sự quen biết trong công tác mà làm sai lệch đi những quy định. Cần kiểm tra nghiêm minh toàn diện việc tuyển sinh. Nếu vi phạm, những người có trách nhiệm phải bị xử lý kỷ luật thích đáng.

Đối với cá nhân dùng tiền bạc để đạt mục đích ấy thì cần cho họ thấy đây là hành vi HỐI LỘ, nghĩa là vi phạm pháp luật. Tuyệt nhiên không thể là chuyện ơn nghĩa cá nhân như lâu nay nhiều người thường nói để biện hộ.

Sẽ có nhiều người lại cho rằng thực hiện biện pháp trên là chưa thấu lý đạt tình. Nhưng đã đến lúc ta không thể dùng tình cảm để giải quyết việc công. Những lá thư tay, cú phôn của các người có chức có quyền, hoặc người có tiền bạc đã gặm nhấm niềm tin của bao nhiêu tâm hồn học sinh. Đừng quên con em ta không còn quá ngây thơ “gọi dạ bảo vâng”.

Quan trọng hơn cả là niềm tin vào sự nghiêm túc, trong sạch, cao cả của những nhân cách tốt đẹp trong nhà trường đang bị xói mòn dần trong suy nghĩ, nhận thức của rất nhiều người dân, rất nhiều phụ huynh. Vậy có nên để tồn tại mãi tệ nạn “chạy” trường ngày càng tinh vi ngay từ những ngày hè vừa đến?

Trần Văn Đa (P.17, Q. Tân Bình - TPHCM)

Đã đến lúc chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế!

Có lẽ chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn về hiện tượng chạy trường. Đó là một nhu cầu khách quan của bất cứ phụ huynh nào. Là cha mẹ, ai không muốn chọn cho con một ngôi trường thật tốt đồng thời cũng thuận lợi cho việc đưa đón. Theo tôi, việc “chạy trường” nếu được tiến hành một cách công khai và minh bạch sẽ thúc đẩy các trường phải tự mình nâng cao chất lượng một cách thực sự - Nó chính là một phần của bài toán nâng cao chất lượng giáo dục. Tại sao như vậy?

Ở Trung Quốc, các trường có chất lượng cao, ngoài việc tuyển sinh học sinh giỏi họ còn tuyển một số học sinh có mức học “dưới chuẩn”. Việc làm này được tiến hành công khai. Phụ huynh của những em này phải đóng góp một số tiền khá lớn. Số tiền này được dùng vào việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như nâng cao thu nhập giáo viên.
Rõ ràng, các trường muốn có thu nhập phải tự nâng cao chất lượng thực thụ thì mới có sức hút với PH. Những học sinh “dưới chuẩn” được học ở những lớp riêng gọi là lớp “dự bị”.

Ở nước ta, nếu có một cuộc điều tra thực thụ, chúng ta có thể thấy có rất nhiều học sinh “dưới chuẩn” được tuyển vào các trường chuyên, chất lượng cao hoặc hệ A. Các em này được tuyển vào dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có một điểm chung là không chính thức và dĩ nhiên nguồn thu chỉ vào một số người nhất định.

Có vị lãnh đạo phòng GD còn nói: Cả năm học, nguồn thu lớn nhất là lúc này – (mùa tuyển sinh). Trước kia, một số trường tiến hành đóng sổ vàng đối với học sinh không đủ điều kiện. Và hình thức này bị cấm khi báo chí phản ánh. Nhưng nếu nhìn một cách khách quan- đó là hình thức tuyển sinh hợp lí nhất.

Nhà nước quản lí được nguồn thu, còn phụ huynh đỡ tốn tiền chạy chọt Rõ ràng hiện nay đã có rất nhiều PH cho con học các trường quốc tế. Và trong tương lai không xa, các trường này sẽ có sức cạnh tranh rất lớn đối với các trường công. Chúng ta đã không huy động được nguồn tài lực của dân vào việc xây dựng hệ thống giáo dục nhà nước. Cách tiến hành như vậy có vẻ không được công bằng lắm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn một cách khách quan vào nền kinh tế nước ta - nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Thực ra cách làm này ngành y tế cũng đang áp dụng: Những người có điều kiện thì được tiếp cận với những thành tựu KHKT mới, những dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Thực tế, chúng ta đang tiến hành quản lí GD theo kiểu quá lí thuyết và mơ tưởng. Chúng ta muốn chất lượng các trường đồng đều. Mà đồng đều thì sẽ dẫn đến cào bằng, thiếu cạnh tranh làm sao có chất lượng cao. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế!

Nguyen thi Bich Van, Email :chithuy177a@yahoo.com

Không nên duy trì khái niệm "bình quân về kiến thức, về trình độ" nữa

Tục ngữ Việt Nam có câu: 'Tìm thầy mà học, tìm bạn mà chơi". Quả đúng như vậy! Trong nền kinh tế thị trường- nền kinh tế mang ít nhiều màu sắc cạnh tranh- thì giáo dục phải đóng vai trò quan trọng nhất của một xã hội năng động và tiến bộ. Vì vậy, hiện nay, đa số các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên đều mong muốn có thầy dạy giỏi, có trường học đẹp để học, để gởi gấm tương lai của mình vào đó. Việc chạy trường, hay nói đúng hơn là việc tìm kiếm thầy cô dạy giỏi, dạy có chất lượng cao là điều tất nhiên phải xảy ra.

Trong giáo dục ngày nay, không nên duy trì khái niệm "bình quân về kiến thức, về trình độ" nữa. Thay vào đó, tất cả giáo viên và học sinh phải năng động, sáng tạo hơn nữa để tự hoàn thiện về kiến thức, về phương pháp dạy và học, về đầu tư cả vật chất lẫn tinh thần nhằm vào mục đích giáo dục.

Nếu thầy cô dạy hay, phụ huynh học sinh sẽ tự động tìm đến. Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách nghĩ "chạy trường" một cách chung chung, thiển cận ở ý nghĩa tiêu cực. Theo tôi, "chạy trường" có nghĩa là học sinh sẵn sàng thi thố tài năng một cách công bằng, dân chủ bằng kiến thức, sức lực của bản thân học sinh, nhằm đạt lấy một nơi học tốt để được trang bị một kiến thức thật vững làm hành trang ra đời phục vụ xã hội, phục vụ đất nước hữu hiệu nhất.

Nói tóm lại, việc "chạy trường" hiện nay ở nước ta là điều tất nhiên phải xảy ra, cũng giống như những nước tiến bộ, đã phát triển khác. Điều này rất đáng khuyến khích, xét theo khía cạnh phát triển. Nó sẽ thúc đẩy giáo dục nước nhà đi lên một cách hữu hiệu hơn, chất lượng hơn để thúc đẩy cả nền kinh tế và xã hội phát triển.

Muốn có nhân tài cho đất nước thì cũng phải có "lò" để luyện nhân tài.

PHAN LAC DONG QUAN Seattle, Hoa Ky (Email :NGUYEN7041@MSN.COM)

Phải giúp các trường ngoại thành nâng cao chất lượng giáo dục

Điều quan trọng là phải giúp các trường ngoại thành nâng cao được chất lượng giảng dạy và học tập, để không thua kém các trường nội thành, quận trung tâm.

Vì sao các trường ngoại thành hiện nay chất lượng thua kém các trường nội thành? Phải chăng do các trường nội thành được tăng tiết tăng giờ dạy kèm trái quy định? Nếu không thì làm sao thu nhập giáo viên nội thành lại cao hơn ngoại thành?

Một khi mà thầy cô giáo ngoại thành không đủ sống với mức thu nhập (chỉ là lương) của mình và phải tìm nghề phụ để bù đắp thêm cho cuộc sống hàng ngày thì chất lượng giáo dục nơi này khó có thể như mong muốn.

Thanh, Email :happylike25@yahoo.com

Trường ơi, chạy đâu…?

Mỗi năm đến hè là… sắp một mùa chạy trường chất lượng cao! Có lẽ từ lâu lắm rồi, việc chạy chọt để có được cái này cái nọ đã trở nên một tâm lý phổ biến trong xã hội. Mà đã có chạy chọt là có tiêu cực phát sinh.

Dư luận báo chí gần đây đã nói quá nhiều về chuyện này. Chuyện chạy trường cho con ở thành phố lớn đã “sành điệu” từ xửa, tôi chỉ xin nói về chuyện chạy ở tỉnh, nhân việc một trường phổ thông thiếu học sinh trong năm học 2004-2005. Đó là Trường THCS N. ở thị xã Tuy Hòa, Phú Yên.

Một trường cấp 2 nằm giữa thành phố mà cũng chỉ lèo tèo hơn 150 học sinh của 4 khối lớp trong ngày khai giảng, cả chục phòng học đành đóng cửa… bỏ hoang. Trong lúc đó, chồng đơn của phụ huynh học sinh xin chuyển trường khác cho con em lại tiếp tục dày lên.

Thực trạng tuyển sinh chưa đầy 1/3 chỉ tiêu theo địa bàn của trường đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong lúc, một trường trái tuyến của học sinh là trường H. lại có số học sinh hộ khẩu phường đông hơn cả trường N.

Rõ ràng, tất cả học sinh muốn học trái tuyến, dù đường đến trường có xa hơn, phụ huynh của các em đều phải chạy vạy để được xin chuyển dù tốn bao công sức, tiền bạc,…

Cái tâm lý phải đưa bằng được con em vào trường điểm, trường chất lượng cao đã thành một cuộc chạy đua hiển nhiên trong nhiều ông bố bà mẹ trước mỗi mùa khai trường.

Khỏi phải nói, những giáo viên tại những ngôi trường hiu hắt như trường N. đã buồn như thế nào. Vì nhiều lý do này khác, đôi khi chỉ là những lời đồn đại chẳng căn cứ vào đâu, rằng: trường này tốt hơn trường kia... Thế là chạy chọt xin chuyển; chạy táo tác, chạy thục mạng; chạy đến khi nào được thì ăn mừng, còn nếu không thì… ngồi đó ôm nỗi buồn… hoa phượng (?).

Cái việc chạy chỗ học cho con em còn liên miên ở nhiều kiểu; như ở xã xa muốn chuyển về xã đông vui hơn hoặc về thị trấn, ở thị trấn lại muốn chuyển về thị xã, ở thị xã lại chạy về thành phố,… Ngoại trừ số ít phải chuyển trường cho con để phù hợp với nơi làm việc của cha mẹ, đa phần còn lại đều vì lý do: phải chuyển đến nơi đô hội để con em có thêm cơ hội, điều kiện cọ xát học hành, cùng hàng ngàn lý do khác. Đôi khi có những lý do khá mù mờ; chung quy cũng vì tâm lý tranh đua, đứng núi này trông núi nọ,…

Tôi biết có nhiều người, nhà ở vùng nông thôn, kinh tế không lấy gì làm khá giả nhưng cũng cố chạy chuyển cho bằng được con trai xuống học tại tỉnh lỵ, thuê nhà trọ cho con ở đi học. Thế là, cha mẹ phải thay nhau chạy lên chạy xuống thăm nom hoặc là lâu lâu con đón xe về thăm nhà; công sức lo lắng, xe cộ đi lại, tiền phòng trọ, ăn uống, học thêm,… phải tương đương một sinh viên đại học.

Thế nhưng nhiều cô cậu học trò lại xổ lồng, không chú trọng học tập, chỉ chuyên đàn đúm lêu lổng, kết cuộc là xôi hỏng bỏng không. Đây chỉ là một số trường hợp tạm cho là cá biệt, và chuyện chạy trường chạy lớp, chuyển vùng này vùng kia cho con em không hẳn bao giờ cũng là điều tốt. Và rồi còn biết bao nhiêu thứ chạy trong trường học mà không thể nào kể ra một lúc cho hết…

Rồi cứ thế, chuyện chạy trường chạy lớp lại cứ mãi là thời sự mỗi khi bước vào năm học mới. Trong những lúc trà dư tửu hậu bây giờ, câu chuyện “con anh học trường gì, con chị học ở đâu?”,… cứ vẫn là điều để người này tự hào, người kia mặc cảm, và ai chạy được trường tốt cho con em mình vẫn cứ là… số một, là mẫu người “thời đại”(!).

Tất nhiên, có nhiều người không chạy chọt, nhiều người chẳng vui gì khi rơi vào cái “guồng” chạy trường chạy lớp, nhiều người muốn không thấy tiếp diễn cái nạn này, nhưng đáng buồn là nó vẫn cứ liên tục phát triển không thể nào dẹp bớt được…

Đừng trách nếu ngày sau con anh chạy danh, chạy lợi, chạy tình, chạy nghĩa,... với bất cứ giá nào!

Đào Đức Tuấn (Đài PT Phú Yên)

Phải có sự tự tin vào bản thân mình

Vấn đề chạy trường đã xảy ra nhiều năm trên đất nước của ta. Vấn đề này đã để lại nỗi buồn âm ỉ trong tôi mỗi khi nhắc đến.  Lúc đó gia đình tôi mới chuyển từ quê lên, gia đình không có hộ khẩu. Tôi phải học bán công, còn em tôi bắt đầu vào học lớp 5 và nhờ có cô hàng xóm giúp đỡ nên em tôi được vào học ở trường Nguyễn Thái Học.

Nữa năm học đầu tiên cô giáo chủ nhiệm không hề gọi đến tên em tôi hay chú ý đến dù là việc nhỏ. Em tôi vẫn thường thủ thỉ với tôi về vấn đề học tập ở lớp. Cô bạn lớp trưởng là người luôn lên bảng sửa bài tập về nhà chứ không phải là cô.

Có nhiều lúc em tôi đem bài về nhà hỏi tôi bài toán này giải như thế em thấy kỳ kỳ. Tôi đã hướng dẫn em làm bài toán đó. Bất chợt em tôi hỏi, nếu lỡ như thi học kỳ 1 mà rơi đúng bài toán này thì em sẽ giải như bạn lớp trưởng hay giải như cách chị vừa chỉ.

Tôi trố mắt nhìn và bảo phải giải như cách chị vừa chỉ. Em tôi là một đứa con ngoan, học sinh giỏi và nó tin tưởng ở sức học tập của tôi (tôi cũng học khá giỏi).

Thế là kỳ thi môn toán của học kỳ 1 đến và lại rơi đúng bài toán ấy. Em tôi đạt điểm 10 còn những bạn khác trong lớp đạt điểm 6 thôi. Từ đó cô giáo bắt đầu để ý đến em tôi. Đến ngày nhà giáo Việt Nam, em tôi mang hoa đến trường theo đúng nghĩa của nó, nhưng em tôi lại tặng cho chú bảo vệ và cô bảo mẫu của em mà không tặng cho cô giáo chủ nhiệm.

Tôi hơi bất ngờ nhưng với lập luận của em, tôi thấy nó nói đúng nên không bàn nữa. Nó bảo: em thấy cô chủ nhiệm nào cũng rất nhiều hoa quà, còn chú bảo vệ và cô bảo mẫu không có gì hết nên em mới đến tặng chú và cô một đoá hoa.

Học hết lớp 5 em tôi thi và được tuyển thẳng vào trường M. Đ nhưng đến lúc gần nhập học, vào trường nhận thông tin để biết ngày khai giảng thì được ban giám hiệu cho biết đã hết chỗ và không có tên của em tôi trong danh sách hoc sinh ( Em tôi được giấy báo tuyển thẳng vào trường nhưng hồ sơ học bạ lại không được chuyển thẳng về trường trực tiếp).

Tôi không khỏi bàng hoàng vì năm học đã gần kề mà gia đình lúc ấy nghèo, nghèo lắm. Hai chị tôi nghỉ học để đi làm phụ với má tôi lo cuộc sống hàng ngày và đóng tiền trường cho tôi. Chúng tôi không có tiền bạc triệu để lo cho em tôi nhập học.Gia đình tôi đành đưa em tôi về quê ở với ngoại để được tiếp tục học cấp 2 và em tôi vẫn học rất giỏi.

Đến năm em tôi học lớp 8 chúng tôi đã chuyển em trở vào thành phố để được gần gia đình và đi học vì lúc đó đã có vị ân nhân ( là người bà con ở nước ngoài về thăm và giúp đỡ). Em tôi trở lại và học ở trường Bầu Sen, quận 8. Đến khi đi thi em tôi chọn trường Hùng Vương để thi vào. Cô chủ nhiệm và một vài thầy cô của trường này đã khuyên em tôi nên rút đơn lại và chọn trường khác. Em tôi bảo em tôi đã quyết tâm và tin tưởng vào học lực của mình. Em không rút đơn và em trúng tuyển vào trường Hùng Vương.

Khi nhập học em tôi được các bạn hỏi lúc trước bạn học ở đâu, em tôi nói Bầu Sen nhưng những người bạn bảo trường nghe tên lạ hoắc vậy ( em tôi là học sinh duy nhất trường Bầu Sen đậu vào Hùng Vương năm đó). Em tôi đã bắt được nhịp cầu tự tin vào chính mình, thế là năm sau đó trường Bầu Sen cũng có học sinh được tuyển vào trường Hùng Vương.

Tôi kể việc này ra để tạm chứng minh rằng không chỉ học sinh ở trung tâm thành phố mới học giỏi được ( tôi vẫn biết rằng chọn thầy mà học, chọn bạn mà chơi là điều hiển nhiên). Ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ trường nào cũng có thầy giỏi và cũng có học sinh giỏi.

Điều quan trọng là phải có sự quan tâm nâng đỡ và phát huy nó lên từ nhà trường và quan trọng hơn hết là của gia đình. Sự quan tâm của cha mẹ , anh chị em là động lực lớn chấp cánh các em bay cao bay xa. Và một điều quan trọng nữa là phải có sự tự tin vào bản thân mình. Và nên dạy các em hay con mình rằng hãy quyết tâm là mình sẽ làm được điều ấy.

Lời Bác Hồ dạy lại vang lên trong tâm trí tôi: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Trân trọng biết bao!

Hue, Email: smartgild@yahoo.com

Thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, rõ ràng, công khai

Việc “chạy trường” của phụ huynh ở một góc độ nhất định cho thấy phụ huynh đã quan tâm nhiều đến việc học hành của con em họ vì thực tế trong lòng mỗi phụ huynh ai lại không muốn cho con em học những trường tốt. Việc xóa trường trọng điểm, trường chất lượng cao không có tác dụng gì vì dẫu các trường đó không còn được gọi là trường điểm thì nó vẫn có một vị trí nhất định trong lòng phụ huynh. Để có thể hạn chế được việc “chạy trường” cần thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, rõ ràng, công khai.

N.T.H (quận 7)

Chỉ vì sĩ diện

Con tôi hiện nay đang học ở một trường tiểu học ở quận 8, sắp tới cháu sẽ hoàn thành chương trình tiểu học. Thực lòng, tôi không hề muốn “chạy” cho con học ở Trường Hồng Bàng, Q.5 vì cháu sẽ phải đi học rất xa, việc đưa đón cũng rất mất thời gian nhưng vì bà xã lúc nào cũng hối thúc phải “chạy” cho được vào trường “chất lượng cao” Hồng Bàng cho dù có tốn kém. Mấy người bạn của bà ấy, người nào cũng “chạy” vào Trường THCS Hồng Bàng hay ở những trường điểm khác. Chỉ vì sĩ diện. Bà ấy cũng chỉ muốn cho bằng bạn, bằng bè.

Bạn đọc quận 8

Mời bạn tiếp tục góp ý kiến!

Tin cùng chuyên mục