Sáng 12-12, hãng thông tấn CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) KCNA xác nhận Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Vụ phóng này gây bất ngờ cộng đồng quốc tế bởi trước đó Bình Nhưỡng tuyên bố cân nhắc hoãn phóng tên lửa “vì những lý do không thuận lợi”.
Thành công lớn?
KCNA cho biết, vệ tinh được phóng thành công là phiên bản 2 của vệ tinh Kwangmyongsong-3. Thời gian phóng vệ tinh từ trung tâm vũ trụ Sohae ở vùng Tây Bắc là 9 giờ 49 phút giờ địa phương (7 giờ 49 phút giờ Việt Nam). Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo sau đó khoảng 9 phút.
Bộ Chỉ huy phòng vệ vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho biết Triều Tiên có vẻ như đã phóng thành công một vật thể vào quỹ đạo, tên lửa đẩy của Triều Tiên đã bị hệ thống cảnh báo tên lửa Mỹ phát hiện và theo dõi. Theo NORAD, tầng 1 của tên lửa đã rơi xuống Hoàng Hải, tầng 2 rơi xuống vùng biển ngoài khơi Philippines.
Ông David Wright, đồng Giám đốc chương trình an ninh không gian tại Liên hiệp các nhà khoa học của Mỹ cho biết vẫn còn quá sớm để tin rằng tên lửa Triều Tiên đã đưa được vệ tinh vào quỹ đạo như nước này tuyên bố. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đều tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Truyền thông Nhật Bản nghi ngờ Triều Tiên đã phóng tên lửa mang vệ tinh từ một vị trí khác. Giáo sư Đại học Hokkaido Haruki Nagata cho biết: “Nếu theo tin được xác nhận là Triều Tiên đang tháo dỡ tên lửa thì sự kiện Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào sáng 12-12 là một hành động không tưởng”.
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn
Ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành họp khẩn theo đề xuất của Nhật Bản và Mỹ. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin ngoại giao phương Tây tại LHQ cho biết cuộc họp này sẽ có những tuyên bố mạnh mẽ và không loại trừ sẽ có các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố đây là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh… đều có những phản ứng mạnh mẽ và phản đối kịch liệt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong động thái được xem là khá bất thường, Trung Quốc, đồng minh duy nhất, đối tác thương mại, nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên, đã nhanh chóng ra tuyên bố phản ứng về vụ việc, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, ngừng mọi hành động liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo.
Giải thích nguyên do Triều Tiên tiến hành 2 vụ phóng tên lửa trong cùng một năm, giới truyền thông Hàn Quốc nhận định đây là hành động nhằm chứng minh quyết tâm của Bình Nhưỡng, đó là hoàn thành hệ thống vũ khí hạt nhân đầy đủ dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
Ông Baek Seung-Joo, thuộc Viện Phân tích quân sự Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên đang cố gắng thuyết phục người dân rằng đất nước vẫn không thể lay chuyển dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo mới và sẽ không bao giờ sụp đổ.
Ông Masao Okonogi, Giáo sư danh dự tại Đại học Keio ở Nhật Bản, cho rằng: “Đưa được vệ tinh vào quỹ đạo chứng tỏ nước này có công nghệ đưa một đầu đạn tới khu vực đã định. Triều Tiên không chỉ trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng mà còn là mối đe dọa thật sự đối với Mỹ”.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4 và đợt phóng thành công ngày 12-12 đã làm Triều Tiên tốn khoảng 1,34 tỷ USD. Vụ phóng tên lửa cho thấy thế giới hoàn toàn “mất cảnh giác” bởi các nguồn tin tình báo đều cho rằng vụ phóng chưa thể diễn ra. Điều này một lần nữa chứng minh, gần như không thể dự đoán được đất nước khép kín nhất thế giới Triều Tiên sẽ làm gì vào thời điểm nào.
THANH HẰNG (tổng hợp)