Ngày 30-5, trên trang web Triều Tiên có tên Naenara (Đất nước tôi), được điều hành tại Nhật Bản, đã đăng toàn văn hiến pháp sửa đổi cho thấy 3 câu chữ mới, trong đó nhấn mạnh những cống hiến của cố Chủ tịch Kim Jong-il, người vừa qua đời tháng 12 năm ngoái, đã đưa Triều Tiên “trở thành một quốc gia bất khả chiến bại về hệ tư tưởng chính trị, một cường quốc vũ khí hạt nhân với một sức mạnh quân sự bất khuất, mở đường xây dựng một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng”. Bản sửa đổi hiến pháp đã được trình lên Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên vào tháng 4 vừa qua.
Ngay khi nguồn tin trên được loan báo, Hàn Quốc lập tức khẳng định Bình Nhưỡng “không thể có tư cách của một cường quốc hạt nhân”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung-jae tuyên bố: “Trước hết, vị thế một cường quốc hạt nhân phải phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng CHDCND Triều Tiên đã tự thừa nhận rằng quốc gia này không phải là thành viên NPT”.
Đáp lại động thái của Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời nhắc lại rằng nước này nên tuân thủ thỏa thuận đã đạt được năm 2005 (trong đó Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ các chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế) và các nghị quyết của HĐBA LHQ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Triều Tiên từng khẳng định có nhiều cơ sở hạt nhân phân bố khắp cả nước, nhưng ít người có thể được tận mắt trông thấy các cơ sở này. Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào năm 2006 và 2009 và hiện bị nghi ngờ đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 3, sau khi thất bại trong việc phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) hôm 13-4 vừa qua.
Một số nhà phân tích tại Seoul cho rằng việc Bình Nhưỡng tự loan báo trở thành một cường quốc hạt nhân sẽ có thể phủ thêm mây xám lên triển vọng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên (gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vốn đang bị trì hoãn. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng sửa đổi Hiến pháp không chỉ nhằm đạt được sự thừa nhận quốc tế với tư cách cường quốc hạt nhân, mà nước này còn có thể sử dụng như một công cụ ngoại giao khi cần thiết trong bối cảnh Triều Tiên đang phải hứng chịu quá nhiều biện pháp trừng phạt đến mức nếu có thêm những lệnh trừng phạt mới thì cũng chẳng có ý nghĩa gì với nước này.
Hạnh Chi (tổng hợp)