Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM vừa khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, quận Bình Tân. Bên lề cuộc họp, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách về vấn đề môi trường mà đoàn đã giám sát trong thời gian qua.
- PV: Thưa ông, nhận định của ông về việc chấp hành xử lý môi trường tại KCN Tân Tạo như thế nào?
- Ông Phạm Văn Đông: Kết thúc buổi giám sát ngày hôm nay, tôi nhận thấy việc bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại địa bàn được chuẩn bị ngay từ đầu. Công ty đầu tư hạ tầng, Ban quản lý khu công nghiệp triển khai đúng theo kế hoạch từ dự án nhà máy xử lý chất thải, xử lý môi trường xung quanh. Tuy nhiên, việc xử lý tốt về môi trường ở đây cũng có một số vấn đề cần phải xem xét. Ví dụ, ô nhiễm mùi của một số doanh nghiệp thức ăn gia súc chưa triệt để, mùi đó ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Thứ hai, khói bụi của một số doanh nghiệp, nhất là khói đen, đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở đây. Do đó cần được quan tâm nhiều hơn, tích cực hơn để có giải pháp tốt nhất.
Theo tôi, song song với việc đề ra những giải pháp tốt nhất về công nghệ thì không thể thiếu được sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Thời gian vừa qua các cơ quan nhà nước đã kiểm tra nhưng chưa đủ liều lượng, phối hợp chưa tốt giữa UBND quận, UBND phường, Ban quản lý KCN-KCX và công ty đầu tư hạ tầng. Cần tổ chức tốt hơn để các doanh nghiệp chấp hành pháp luật về môi trường nghiêm túc.
- Qua hai đợt khảo sát, từ KCN Lê Minh Xuân đến KCN Tân Tạo đã có điều nghịch lý. Đó là Ban quản lý KCN, công ty đầu tư hạ tầng… đều cho rằng đã xử lý ô nhiễm, các máy móc đo mùi, đo màu đều cho kết quả đạt các chỉ tiêu. Thế nhưng người dân vẫn kêu ô nhiễm, dòng kênh chảy xung quanh các KCN vẫn đen kịt. Vậy, vấn đề ở đây là gì?
- Theo tôi, ngay từ quy hoạch ban đầu chúng ta nhận thức vấn đề này chưa hết. Nếu như có quy hoạch tốt, chắc chắn là không có nhà trẻ nằm gần KCN, như tại KCN Tân Tạo mà chúng ta đã tận mắt chứng kiến, không thể nào có câu chuyện là khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân lại nằm ngoài KCN Lê Minh Xuân (hai khu này nằm kế bên nhau - PV). Ngay từ ban đầu chúng ta nhìn vấn đề quy hoạch chưa đủ, chưa bao quát.
Vấn đề thứ hai, chúng ta có nhận thức, có đủ giải pháp xử lý nhưng liều lượng chưa tích cực, tức là chưa làm cho người dân hài lòng. Mặt khác, chúng ta chưa có giải pháp khoa học công nghệ tiến bộ hơn, như trường hợp Ban quản lý KCN, các ngành đề nghị thành phố nên đầu tư một trạm quan trắc di động, đủ sức giám sát ô nhiễm môi trường. Tôi cho rằng điều này hết sức cần thiết, trong tương lai cần phải thực hiện.
- Nhưng có phải các chủ đầu tư chưa muốn thừa nhận về việc mình có gây ô nhiễm môi trường hay không, phải chăng họ cố tình né tránh hoặc bao che cho nhau?
- Tôi nghĩ không ai dám bao che đâu. Có thể trong nhận thức, trong giải pháp chưa tới, cơ quan quản lý nhà nước giám sát chuyện này chưa đủ liều. Cần phải có những biện pháp chế tài mạnh hơn nữa mới làm cho họ thay đổi. Cụ thể câu chuyện Công ty CP Sản xuất thức ăn thủy sản Tom Boy (thuộc KCN Tân Tạo - PV), mỗi tháng cơ quan chức năng phạt hành chính một lần. Chúng ta làm thế là vì quy định nhà nước cho phép, bởi trên thực tế mùi hôi đó là có thật, có địa chỉ hẳn hoi nhưng tại sao suốt 2 năm qua vẫn tồn tại, tức là do xử lý thôi.
- Như vậy, chế tài xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa đủ liều?
- Đúng, chưa đủ liều, chưa đủ tích cực để làm người dân hài lòng.
LƯƠNG THIỆN