Để hàng hóa phong phú và hấp dẫn hơn, nhiều người bán hàng, nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng hóa chất tạo màu. Hiện có trên 200.000 loại hóa chất sử dụng trong sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm và đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên việc phát hiện ra các hóa chất này lại nằm ngoài tầm các cơ quan chức năng.
Càng đẹp, càng độc
Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Hội Khoa học Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam (VAFoST), 3 nhóm hóa chất phổ biến nhất được cho vào thực phẩm là nhóm phẩm màu, nhóm các chất bảo quản và nhóm hóa chất bảo vệ thực vật.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy hóa chất tạo phẩm màu được sử dụng khá nhiều để chế biến bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, gia vị, tương ớt, ớt bột, thịt quay, thịt nướng… Cụ thể, chất Amaranth được dùng để tạo ra thực phẩm có màu đỏ, Brilliant blue - màu xanh, Sunset yellow - màu vàng cam, Tartazine - màu vàng chanh...
Các phẩm màu tổng hợp này thường có độ bền màu cao và với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra. Những loại thực phẩm được bổ sung loại phẩm màu này thường có màu sắc đẹp, rất hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng chúng có thể gây ngộ độc, tử vong nếu sử dụng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, hiện trên thị trường có 200.000 loại hóa chất khác nhau. Các hóa chất có mặt hầu hết trong các sản phẩm thực phẩm, đồ chơi trẻ em, thậm chí cả trong rau sạch. Những hóa chất đã từng bị phát hiện như chì, Melamine, hàn the… chỉ là một trong số hiếm hoi hóa chất được phát hiện. Còn hàng trăm, hàng ngàn hóa chất khác chưa thể phát hiện được.
Mặt khác, nước ta chưa có một cơ sở, trung tâm phân tích nào có đủ năng lực để có thể tìm và phát hiện hết các loại hóa chất đang sử dụng trong thực phẩm được bày bán tràn lan ngoài thị trường.
Tự cứu mình trước
TS Lê Thị Hồng Hảo nhấn mạnh, Bộ Y tế đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và mức giới hạn dư lượng cho phép. Theo đó, có 11 phẩm màu tự nhiên, 10 phẩm màu tổng hợp được phép sử dụng làm phẩm màu thực phẩm. Thế nhưng, do công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập, lỏng lẻo nên số lượng hóa chất sử dụng trên thực tế nhiều hơn gấp hàng ngàn lần.
Ông Nguyễn Trung Việt bổ sung thêm, hiện sản phẩm như đồ chơi trẻ em tràn vào thị trường nước ta qua nhiều con đường. Trong đó, nhập khẩu chính ngạch ít, mà nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhiều. Hơn nữa, số lượng sản phẩm này thường xuyên thay đổi mẫu mã, hình thức nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, lấy mẫu phân tích khoảng vài chục mẫu sản phẩm trên hàng triệu triệu sản phẩm đã và đang bày bán trên thị trường. Do đó, không loại trừ trường hợp vừa mới phát hiện sản phẩm này có hóa chất độc hại thì sản phẩm đó đã không còn bán trên thị trường nữa.
Theo GS-TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hiệp hội VAFoST, nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng tồn dư quá nhiều các hóa chất bảo vệ thực vật, các loại phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản ở trong các loại thực phẩm là do cách sử dụng của người sản xuất. Người tiêu dùng bị thực phẩm ô nhiễm hóa chất bủa vây, vì nhà sản xuất sử dụng một cách tùy tiện các loại hóa chất trước cũng như sau thu hoạch. Để khắc phục tình trạng này, cần sớm thông qua dự thảo Luật thực phẩm. Mặt khác, phải xử phạt thật nặng, thậm chí đóng cửa các doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện không ít nhà sản xuất không ngần ngại lạm dụng các hóa chất bảo quản để kéo dài thời gian chờ phân phối trên thị trường bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Có thể nói, việc nhận ra thực phẩm có bị lạm dụng hóa chất hay không là chuyện không đơn giản với người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng có thể tự bảo vệ mình bằng cách không nên lựa chọn những sản phẩm có màu sắc quá lòe loẹt, không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi tiền mất, tật mang.
MAI KHÔI