Chỉ có đối thoại

Lần thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm, Hội đồng nhân quyền LHQ ngày 1-3 đã bỏ phiếu thông qua việc lên án Chính phủ Syria về hành vi vi phạm nhân quyền. Nga, Trung Quốc và Cuba bỏ phiếu chống. Ấn Độ, Ecuador, Philippines bỏ phiếu trắng và 4 nước còn lại trong số 47 nước thành viên của hội đồng này không tham gia cuộc bỏ phiếu.

Lần thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm, Hội đồng nhân quyền LHQ ngày 1-3 đã bỏ phiếu thông qua việc lên án Chính phủ Syria về hành vi vi phạm nhân quyền. Nga, Trung Quốc và Cuba bỏ phiếu chống. Ấn Độ, Ecuador, Philippines bỏ phiếu trắng và 4 nước còn lại trong số 47 nước thành viên của hội đồng này không tham gia cuộc bỏ phiếu.

Trước đó, trong khi kết quả 89,4% người dân Syria ủng hộ hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất được coi là phản ánh sự đồng thuận của người dân về quyết tâm cải cách hệ thống chính trị của chính phủ thì phe đối lập cũng như phương Tây vẫn cương quyết bác bỏ.

Theo giới phân tích, hiến pháp mới sẽ phục vụ cho những cải cách trong tương lai chứ chưa thể đưa Syria thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh “Những người  bạn của Syria” đều không có bên nào đứng về phía người dân quốc gia Trung Đông này.

Không lâu sau khi xuất hiện các vụ lộn xộn đầu tiên ở Syria, đã có lời bóng gió rằng nếu không có can thiệp quân sự, nhiều khả năng chế độ Syria sẽ còn tồn tại trong thời gian dài. Tháng 8-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố “thời gian của Tổng thống Assad đang hết”. EU đứng về phía Mỹ để áp đặt các lệnh trừng phạt chống chế độ Syria, trong đó có cả nhắm vào lĩnh vực dầu lửa. Liên đoàn Ảrập (AL) đã nhiều lần kêu gọi ngừng chiến và cố gắng tìm ra một giải pháp đàm phán cho sự ra đi của Tổng thống Assad.

Một số nhà lãnh đạo Ảrập như Quốc vương Jordan Abdallah II cũng chính thức yêu cầu sự ra đi của một nguyên thủ “quốc gia anh em”. Nhưng thông báo chế độ Assad kết thúc dường như hơi thổi phồng và quá sớm. Tổng thống Syria vẫn tồn tại sau gần 1 năm chống lại các cuộc biểu tình.

Đáng buồn là nền kinh tế đang dần sụp đổ, đầu tư và các luồng vốn chuyển hướng, đời sống xã hội bị đảo lộn. Thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân Syria. Thái độ gây áp lực với chính phủ của ông Assad của phương Tây rõ ràng không phải vì số phận của người dân nước này. Cách đây không lâu, các cường quốc vẫn còn chấp nhận chế độ của ông Assad dù biết là “độc tài”. Như đầu tháng 12-2010, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tiếp đón trọng thị ông Assad và cùng đàm đạo đầy hứng khởi về một tương lai hợp tác sáng sủa.

Các cuộc họp bàn đầy căng thẳng, các nghị quyết liên tiếp được thông qua tựu chung cũng chỉ là bức bình phong che đi mục đích thật sự liên quan đến lợi ích chia phần sau này. Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, đặc phái viên về vấn đề Syria của LHQ đã nhận xét có quá nhiều phe phái đều muốn can thiệp vào tình hình Syria, một “quá trình hòa giải” mà tất cả các bên phải chấp thuận là rất cần thiết trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở quốc gia Trung Đông này.

Tương tự, Nga nhấn mạnh chỉ có ngừng bạo lực, chứ không phải sự ra đi của ông Assad mới là điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại với sự tham gia của phe đối lập Syria trong và ngoài nước. Hiến pháp mới sẽ không giải quyết được các vấn đề nội bộ của Syria, nhưng có thể mở ra các điều kiện thuận lợi để tiến hành đối thoại. Thậm chí, Phó phát ngôn viên LHQ Eduardo del Buey cũng phải thừa nhận rằng hiến pháp mới có thể là một phần của giải pháp chính trị, đồng thời kêu gọi Syria “ưu tiên tìm cách chấm dứt tình trạng rối loạn đẫm máu nhất trong lịch sử nhiều thập kỷ qua ở nước này, bởi chỉ có như vậy, một tiến trình lịch sử thực sự mới có thể diễn ra để đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân”.

Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục