Bình luận

Chỉ là sự khởi đầu

Bầu không khí tại thủ đô Libya đang trở nên căng thẳng do sự phẫn nộ của những người dân Tripoli yêu cầu lực lượng vũ trang của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) chấm dứt hiện diện tại thành phố này. Đã hơn một tháng kể từ khi lực lượng nổi dậy chiếm được Tripoli nhưng ngày ngày, tiếng súng và vũ khí tự động vẫn vang rền trên bầu trời Tripoli, xe tăng trang bị vũ khí hạng nặng chạy ngược xuôi trên đường phố.

Ghi nhận của hãng tin AFP cho biết, người dân ở Tripoli vẫn chưa kịp quen với chế độ mới thì họ đã phải mệt mỏi vì sự hiện diện của binh lính nổi dậy trong thành phố. Ông Hamza Bonwara tức giận nói: “Họ không thuộc về nơi này. Họ làm chúng tôi khiếp sợ và cảm thấy nguy hiểm. Tripoli bình yên rồi, tại sao họ còn ở đây”. Sự tức giận ngày càng gia tăng khiến cho người dân địa phương thành lập nhóm Hỗ trợ Tripoli, nhằm đưa những yêu cầu đến chính quyền mới của Libya yêu cầu giải quyết nhanh những lữ đoàn còn đóng quân trong thành phố. Đáp lại, những nhà lãnh đạo của NTC cho biết họ đã yêu cầu các lực lượng vũ trang rời khỏi Tripoli nhưng phần đông vẫn ở lại với lý do để đảm bảo an toàn cho thành phố.

Không chỉ tại Tripoli, ở nhiều thành phố khác, người dân cũng nản lòng với NTC. Bên cạnh đó, nội bộ NTC đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Theo AFP, trong nội bộ chính quyền NTC từ lâu đã nảy sinh những mâu thuẫn tranh giành quyền lực. NTC hiện nay đã làm được những điều họ mong muốn: lật đổ Tổng thống Gaddafi, được LHQ công nhận, các nước phương Tây ủng hộ.

Song sự kình địch lẫn nhau trong nội bộ phe nổi dậy đang cản trở tiến trình chuyển tiếp đưa tình hình ở Libya trở lại bình thường. Dư luận cho rằng đang có sự tranh giành giữa giới chỉ huy quân sự và giới lãnh đạo chính trị trong Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC). Nhiều nhà phân tích chính trị trên thế giới nhận định: Lực lượng nổi dậy hiện nay chẳng qua chỉ tạm thời tập trung lại với nhau, nội bộ chia rẽ, thành phần phức tạp, quan điểm chính trị không thống nhất, mưu cầu lợi ích cũng khác nhau.

Thậm chí, ngay cả quyền lực của ông Mahmoud Jibril, nhân vật số 2 ở NTC, người vẫn được coi như “bộ mặt” của NTC, cũng đang gặp nhiều thách thức. Trong suốt mấy tháng qua, ông Mahmoud Jibril thực ra đã làm việc với vai trò như thủ tướng và cả ngoại trưởng. Tuy nhiên, ông đang bị lực lượng thuộc thành phố Misatra “tẩy chay”.

Sự mệt mỏi của người dân, mâu thuẫn trong phân chia quyền lực tại Libya đang cho thấy một thực tế là sự “thất thế” của chính quyền Gaddafi không đồng nghĩa với sự kết thúc của tình hình bạo lực. Ngược lại, đây mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc tranh giành lợi ích và quyền lực mới.

Những gì diễn ra tại Libya cũng là một bức tranh phản ánh rõ nét một hiện thực: NTC chưa có khả năng đại diện cho những người dân Libya. NTC đang rất khó khăn để thành lập chính phủ mới thì xem ra việc đảm bảo cho cam kết đem lại sự hòa bình, ổn định, phát triển cho đất nước không thể thực hiện sớm như mong đợi của người dân.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục