Là một định chế tài chính hoạt động trong nền kinh tế thị trường, thế nhưng, có một ngân hàng tại Việt Nam hoàn toàn không kinh doanh vì lợi nhuận mà chỉ hướng đến thực thi chính sách giảm nghèo bền vững. Và ở TPHCM, cách làm việc của ngân hàng này trong 5 năm qua đã tạo nên dấu ấn riêng, trở thành tâm điểm “gánh” trọn niềm tin của gần trăm ngàn bà con nghèo và đối tượng chính sách.
ĐỊNH CHẾ “VÌ NGƯỜI NGHÈO”

Ngày 4-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) nhằm thực hiện chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Hơn 3 tháng sau, Chi nhánh NHCSXH TPHCM được thành lập với định hướng gắn liền công cuộc xóa đói giảm nghèo và duy trì nhiều mục tiêu an sinh xã hội tại thành phố. Và cũng từ đó, ở đô thị lớn bậc nhất cả nước này đã hiện diện thêm nhiều bằng chứng sinh động cho công cuộc “đổi đời”, “thoát nghèo” của những gia đình khó khăn, người lao động tàn tật, sinh viên nghèo và nhiều đối tượng chính sách.
Ông Nguyễn Thất Tùng, ngụ tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức vừa thoát nghèo bồi hồi nhớ: “Năm 2003 gia đình tôi có ba đứa con đang đi học, cuộc sống gia đình khó khăn tưởng chừng bế tắc. Nhờ vay 5 triệu đồng từ NHCSXH TPHCM nên tôi mua được con giống và thức ăn chăn nuôi heo. Sau đó được vay tiếp 10 triệu đồng cùng số tiền tích lũy, tôi mở rộng diện tích chuồng trại nuôi trên 10 con heo, gà và cá. Thu hoạch xong, tôi hoàn trả nợ cho ngân hàng, còn lại một số tiền đủ trang trải chi phí học tập cho ba đứa con. Hiện nay, các con tôi đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm, gia đình thì thu nhập ổn định hơn”.
Bà Trần Kim Lang, ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi cho biết: “Nhà tôi làm nghề nông, vốn ít. Do phân tro ngày một lên giá, không đủ tiền mua nên mùa màng liên tục bị thất bát, làm hoài không khá. Năm 2005, tôi vay 10 triệu đồng từ Chi nhánh NHCSXH TPHCM để nuôi heo. Đến nay, tiền lời do bán heo sữa, heo thịt và phân heo giúp bón lúa nên được mùa. Nhờ đó, tôi sắm tiện nghi trong nhà tương đối đầy đủ và nuôi hai đứa con ăn học thành tài. Nghĩ lại, không có nguồn vốn từ Chi nhánh NHCSXH TPHCM, chắc đến giờ, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình tôi mãi”.
MÔ HÌNH ĐÚNG CHO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo Tiến sĩ Hà Thị Hạnh, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, tuy ra đời muộn nhất so với các chi nhánh khác và gặp nhiều khó khăn, song Chi nhánh NHCSXH TPHCM trong 5 năm qua đã thực sự hoạt động xuất sắc nhất toàn hệ thống NHCSXH.
Trên địa bàn TPHCM, các chương trình tín dụng ưu đãi do Chi nhánh thực hiện đã hỗ trợ duy trì việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tạo thêm gần 64.000 việc làm mới, góp phần giúp cho gần 14.000 hộ gia đình thoát nghèo, hỗ trợ vay vốn cho 32.742 học sinh.
Thật vậy, chỉ sau thời gian ngắn ra đời với ủng hộ của lãnh đạo thành phố và các cơ quan hữu quan, Chi nhánh NHCSXH TPHCM đã bắt kịp những nhu cầu dân sinh bức thiết tại địa phương bằng hàng loạt chương trình như: Cho vay hộ nghèo; Cho vay giải quyết việc làm; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Kết thúc năm 2007, tổng dư nợ cho vay ưu đãi của ngân hàng lên đến 756,419 tỷ đồng, tăng 532% so với năm 2003, góp phần vào việc xóa hộ đói tại TPHCM, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,9%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước năm 2007 là 14,7%.
Tuy nhiên, để hoạt động của Chi nhánh NHCSXH TPHCM hiệu quả hơn, ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TPHCM kiến nghị nên mở rộng đối tượng cho vay là người có thu nhập thấp, cộng đồng công nhân ở thành thị. “Nếu chỉ có nguồn ngân sách từ Trung ương, thành phố và quận, huyện thì chưa đủ nhu cầu cho nhiều đối tượng vay. Rất mong lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn viện trợ của tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB) và các tổ chức phi chính phủ … để tăng cường hơn nữa nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn TPHCM” - ông Tiên nói.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế công nhận đạt thành tích tốt trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, ngay như WB cũng đánh giá tỷ lệ nghèo tại nước ta đã giảm mạnh theo tiêu chuẩn từ 58% (năm 1993) xuống còn 37,4% (năm 1998) và 28,9% (năm 2002). Tuy nhiên, để công cuộc giảm nghèo bền vững thì Nhà nước phải cần tiếp tục quản lý vĩ mô dựa trên chính sách tăng trưởng vì nhân dân. Và dĩ nhiên, mô hình như NHCSXH cần phải được cẩn trọng nhìn nhận lại mức độ hiệu quả và tác động xã hội, nâng cấp lên tầm mới để phù hợp hơn trong giai đoạn hội nhập.
TƯỜNG MINH - NGỌC HIẾU
* Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH TPHCM: * Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm TPHCM: * Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM: * Bà Phạm Thị Kim Lệ, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM: |