Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước khi bước vào nghỉ lễ Columbus Day vào sáng 14-10 (giờ VN), thị trường chứng khoán New York tiếp tục chứng kiến cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực là Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite đều giảm điểm mạnh với các mức tương đương 1,35%, 1,65% và 1,46%.
Có một đề tài mà hầu hết những người ở Phố Wall đều bàn luận mỗi ngày, cấp thiết và lặng lẽ. Nhưng đề tài này không phải là những biến động của thị trường chứng khoán mà đó là ảnh hưởng của dịch Ebola. Trong khi hàng ngàn nhân viên y tế đang tìm cách kiểm soát loại virus gây chết người ở Tây Phi; Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh cùng các chuyên gia y tế khác tìm cách ngăn chặn sự bùng nổ dịch bệnh tại Mỹ, thì các nhà phân tích tài chính đang nỗ lực ước tính ảnh hưởng tiềm tàng của dịch Ebola đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bài toán này không phải dễ.
Hậu quả kinh tế cũng có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và làm thay đổi hành vi. Cổ phiếu của các hãng hàng không đang lao dốc vì các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về viễn cảnh cấm đi lại của các hãng hàng không giữa Tây Phi đến châu Âu và Mỹ. Chỉ riêng tại Mỹ, cổ phiếu của các công ty năng lượng, thành viên trong nhóm cổ phiếu Standard & Poor 500 lao dốc mạnh nhất, mất giá tới 2,9%. Cổ phiếu UAL.N của Hãng hàng không United Airlines và Delta Airlines trượt giá lần lượt 7,3% và 6,1%, trong khi cổ phiếu của các công ty vận tải cũng thuộc Dow Jones giảm trung bình 2,2%. Andrew Zarnett, nhà phân tích của Deutsche Bank, còn so sánh các tác động tiềm tàng của Ebola không thể ít hơn tổn thất khoảng 6 tỷ USD của các hãng hàng không châu Á trong dịch SARS năm 2003.
Dĩ nhiên, thiệt hại kinh tế lớn nhất là cô lập kinh tế các nước, giống như hình thức cấm vận kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một loại “Chỉ số tác động Ebola (EII)”. Chỉ số này sẽ cho biết các nước ở châu Phi, châu Âu và Mỹ bị Ebola ảnh hưởng như thế nào. Sau đó, họ sử dụng một số công cụ thống kê khá phức tạp để lập mô hình liên kết giữa Tây Phi và phần còn lại của thế giới, từ đó xây dựng hai kịch bản. Một kịch bản ngăn chặn được sự lây lan của dịch Ebola với khoảng 20.000 ca nhiễm bệnh. Đó là kịch bản tốt. Kịch bản ngược lại xuất phát từ những sai lầm của chính phủ, dẫn đến 200.000 ca nhiễm virus Ebola. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kịch bản này làm tiêu tốn của nền kinh tế toàn cầu khoảng 32,6 tỷ USD.
Điều bất ngờ là các tổn thất kinh tế cuối cùng do dịch bệnh Ebola mang lại không phải từ những chi phí trực tiếp chi cho hệ thống chăm sóc y tế: đào tạo, kiểm tra, điều trị, xử lý chất thải… mà xuất phát từ sự mất lòng tin vào chính phủ. Từ lâu, Phố Wall đã xây dựng những bảng tính để ước tính những con số tăng trưởng việc làm, tăng trưởng kinh tế và giá trị doanh nghiệp… Nhưng các biến đổi kinh tế do một đại dịch gây ra gần như không thể tính toán được. Nó trở thành một loạt các ước đoán về tâm lý của công dân toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde lại đính lên áo bà dòng chữ “Cô lập Ebola, chứ không phải các quốc gia”. Đó là vì tổn thất kinh tế còn lớn hơn nhiều so với tổn thất y tế và có thể trở thành cái giá đắt nhất.
HẠNH CHI