Mới đây, Việt Nam lọt vào tốp 10 nước có sinh viên du học nhiều nhất thế giới và được xem là thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á của Mỹ. Nhờ các chính sách mở cửa, khuyến khích công dân đi du học, làm việc ở nước ngoài, thị phần du học ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Từ con số vài ngàn sinh viên đi du học cách đây một thập niên, đến nay đã có trên 100.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy chịu ảnh hưởng bởi cơn lốc khủng hoảng kinh tế thế giới, 2 năm trở lại đây tốc độ đi du học có phần chựng lại, nhưng nhìn chung vẫn sôi động, đầy tiềm năng. Bất chấp những thay đổi, mở rộng chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các trường đại học trong nước, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế vẫn đặt đích đến cho tương lai của con cái là du học. Với những lý do hấp dẫn như đi du học sẽ thay đổi cuộc sống, kiếm bằng cấp quốc tế, trải nghiệm, tiến bộ trong những môi trường đa văn hóa… đa phần giới trẻ Việt Nam có học lực khá giỏi, tự tin, ngoại ngữ đạt chuẩn đều muốn chạm vào giấc mơ ra nước ngoài học tập. Và với con số mỗi năm có thêm hàng chục ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam tự tin đi du học, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới chúng ta nên mừng hay lo?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tín hiệu này đáng mừng chứ không nên lo. Bởi nếu không có kiến thức nền tốt, nếu không chủ động trang bị hành trang ngoại ngữ, kỹ năng mềm, rèn luyện sự tự tin… thì làm sao học sinh, sinh viên của Việt Nam dám bơi ra biển lớn, hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Hơn nữa trong tổng số du học sinh nói trên, chiếm 90% là du học tự túc. Một khi người dân chủ động bỏ tiền của cho con cái đi du học thì gánh nặng tài chính không đẩy về phía nhà nước.
Tuy nhiên, lạm bàn về khoản chi phí “khủng” mà người dân đầu tư cho lĩnh vực này lên đến hàng tỷ USD, cũng có ý kiến cho rằng “lãng phí, chảy máu ngoại tệ”... Điều này liệu đã thuyết phục? Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi tư duy - nhìn hiện tượng giới trẻ Việt Nam đi du học ngày một tăng là “chảy máu chất xám, ngoại tệ”. Chẳng có gì phải “hốt hoảng”, lo ngại về điều này, bởi xu thế hội nhập toàn cầu đang phủ sóng khắp các lục địa và giáo dục phát triển không biên giới đang tạo cơ hội cho bất cứ ai có nhu cầu, hội đủ điều kiện du học.
Trong xu thế nở rộ cơ hội trao đổi giáo dục toàn cầu, ai cũng có quyền được chọn lựa và thụ hưởng tinh hoa, sản phẩm đạt chất lượng cao ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Vì lẽ đó, mới đây, TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Phó Trưởng ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đã đánh giá cao nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của TPHCM. Chỉ trong vòng 7 năm, TPHCM đã nâng thêm 1/3 số học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài. Đây được xem là chỉ số vàng. Như thế, thực tế Việt Nam lọt vào tốp 10 nước có sinh viên đi du học đông nhất ở Mỹ và nhiều nước khác cũng khẳng định chỉ số vàng này đang được nhân lên.
Như vậy, thay vì lo ngại giới trẻ Việt Nam đi du học ngày càng nhiều và trở về ít hơn, việc cần bàn, cần làm là chúng ta sẽ có chính sách đột phá nào để thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ, đạt chuẩn quốc tế, có kinh nghiệm từ nước ngoài trở về? Người Việt Nam ở đâu cũng yêu nước và họ mong muốn đóng góp sức mình vào sự thịnh vượng của quê hương, đất nước, kể cả lúc đang làm việc ở nước ngoài. Nếu nhà nước tiếp tục có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” phù hợp như trường hợp mời Giáo sư Ngô Bảo Châu về nước tham gia chương trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về toán học thì chắc chắn không phải lo chảy máu chất xám, mà ngược lại sẽ có thêm chất xám màu mỡ từ nguồn du học sinh trở về. “Một cây làm chẳng nên non” và sau lời mời trọng vọng này, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã kiến nghị Chính phủ nên có chiến lược thu hút nhân tài, thành lập ban cố vấn xây dựng chiến lược thu hút thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài trở về đóng góp trí tuệ, tài năng cho đất nước.
Dù vấn đề tâm huyết, nóng hổi thời sự này đã được xới lên nhiều lần nhưng đến nay nó vẫn còn bỏ ngỏ. Thử hỏi đã có bao nhiêu địa phương, cơ quan nhà nước mạnh dạn tuyển dụng, sử dụng người tài, du học sinh trở về nước và tạo điều kiện làm việc, trả lương cho họ đúng với giá trị bằng cấp, năng lực làm việc? Khi chúng ta có được chỉ số vàng - nguồn lực chất xám trong tay nhưng không biết tận dụng, phát huy nó thì đất nước khó đạt được mục tiêu hội nhập, phát triển nhanh như đã đề ra.
KHÁNH HÀ