Có lẽ dân Hà Nội ít ai lại không biết sông Kim Ngưu, nó nằm ở phía Đông Nam thành phố. Kim Ngưu là trâu vàng, nhưng một thời nó là dòng kênh đen. Bao nhiêu rác rến người ta tuồn xuống đó, khiến dòng kênh đặc sệt, nặng mùi. Nhưng Kim Ngưu nổi tiếng vì có Nhà máy Dệt 8-3, một nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất của miền Bắc, được nước bạn giúp xây dựng trong thời kỳ đầu kiến thiết miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhà máy Dệt 8-3 thu hút hàng ngàn công nhân. Thời ấy, học sinh thi trượt trung cấp, đại học dễ dàng vào đó đứng máy ngày 8 tiếng đồng hồ, thay nhau làm 3 ca liên tục. Chị tôi từ Nghệ An ra Hà Nội học nghề và chẳng bao lâu gia nhập vào đội quân thợ dệt khổng lồ ấy.
Làm việc, lương vài ba chục đồng (năm 1960) đủ sống, chẳng mua sắm được gì, nhưng ai cũng hãnh diện là công nhân Dệt 8-3. Tuy thế, Nhà nước rất quan tâm đến đời sống công nhân. Thế là bên bờ sông Kim Ngưu mọc lên những khối nhà đồ sộ cho công nhân có chỗ tá túc nghỉ ngơi sau những giờ lao động hăng say. Những ngôi nhà tập thể lắp ghép 3 tầng này do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên xây dựng giúp ta.
Các dãy nhà song song nhau có sức chứa hàng ngàn người. Các tầng đều có lối đi giữa, hai bên là các căn phòng rộng trên 10m2. Ai may mắn được bố trí phòng ở là sướng như vua. Chị tôi từ khi lập gia đình cũng được phân nửa căn, ở chung với một chị bạn. Hành lang mù mịt khói than tổ ong. Chỗ ở chật chội nên nhà nào cũng tận dụng tối đa không gian.
Các tầng trên đua nhau cơi nới ra muôn màu muôn vẻ có thêm dăm ba mét vuông để vật dụng và phơi phóng quần áo. Các nhà tầng trệt thì lấn ra sân tập thể để buôn bán, giữ xe... Các căn hộ chật hẹp, tối tăm đến nỗi nhiều em nhỏ mắc bệnh lé mắt và cận thị nặng.
Khu tập thể 8-3 như một thế giới riêng của thủ đô, hỗn tạp, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường vượt mức báo động. Các khối nhà không nêm hết người, phải bang ra xung quanh dày đặc.
Sau này có cháu, chị tôi được phân một phòng riêng, kể cả cơi nới ra được gần 20m2 thế là may lắm rồi!
Tôi đi đánh giặc 10 năm ở miền Nam, cuối năm 1975 về thủ đô thăm chị. Mừng cho chị có “nhà” riêng, nhưng lại se lòng cám cảnh cuộc sống thiếu thốn, eo hẹp của công nhân thời bao cấp. Mùa đông tôi ngồi co ro trong phòng, nhưng chị tôi đội nón lá, xách xe đạp từ tầng 3 (thường gọi là gác 3) xuống đi làm. Hôm nào làm ca ngày, khi tôi đang ngủ vùi trong chăn thì 4 giờ sáng chị đã lục cục dậy đội gió bấc mưa phùn đạp xe đến nhà máy. Hôm nào làm ca 2 thì 9, 10 giờ đêm mới lọc cọc xách xe lên gác. Do phải chắt bóp từng đồng nên chị không dám gửi xe dưới nhà.
Sang thời đổi mới, áp dụng kinh tế thị trường, nhà nào cũng khá giả lên, có xe máy, ti vi, tủ lạnh, bếp gas... Nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ kinh hoàng của thời tem phiếu, xếp hàng mua thực phẩm. Chị tôi thảnh thơi, trông trẻ ra, không giàu có, nhưng cũng không đua tranh, vẫn sống ở cái gác 3 cũ càng đầy ắp kỷ niệm. Vào tuổi 60, rồi 70, chị càng năng đi bộ, tập dưỡng sinh, tham gia văn nghệ người cao tuổi, đi biểu diễn, lên ti vi ngon lành.
Được hưởng cái gen của mẹ tôi, tóc đen hoài nên ai cũng khen “trẻ mãi không già”. Khoản lương hưu và thêm chút lộc trời, anh chị đi thăm thú, du lịch từ Bắc chí Nam. Xuân nào cũng đi giỗ Tổ ở Đền Hùng, viếng chùa Trầm…
Cái sân giữa hai dãy nhà tàng cây xanh râm mát là nơi các bà bộc bạch tâm sự chuyện Đông Tây kim cổ. Chị tôi ăn nói lưu loát nên mọi người thích lắm, nhất là những chuyến vãng cảnh phương Nam và vào Sài Gòn thăm em, trở về.
Cái sân này cũng thường diễn ra các đám cưới, đám mừng... của bà con trong khu phố. Chị tôi cưới con gái đầu ở đó. Rạp chứa được chừng vài trăm người, mở nhạc, ca hát tới khuya. Đám cưới ở đây thật lạ. Không có chú rể nhưng vẫn lễ nghi đầy đủ, ăn uống rào rào. Các món ăn thường tự nấu và dọn ra mâm cùng một lúc. Ai nấy ăn xong ra về. Chiều đưa dâu sang nhà chồng mới thấy mặt chú rể; uống chè, ăn kẹo bánh qua loa rồi trở về.
Sông Kim Ngưu bây giờ đẹp như mơ, hai bờ kè đá thẳng tắp; cây xanh rợp mát, liễu buông tha thướt xuống mặt nước trong lành, là nơi lý tưởng cho các lứa tuổi đi bộ, thể dục thể thao.
Có điều các tòa nhà nay đã xuống cấp trầm trọng, tính ra tuổi thọ đã trên 50 năm, lại cũ kỹ, lỗi thời. Nghe nói Nhà nước định đập đi để xây chung cư hiện đại, ai cũng bần thần, không muốn rời xa sông Kim Ngưu và khu tập thể 8-3 đã gắn bó bao vui buồn với họ.
Mấy thế hệ con cháu lớn lên và trưởng thành ở đây. Con đường nhỏ chạy qua các khu nhà nay được mang tên: Phố 8-3. Chị tôi cũng hoài niệm, nhưng có phần vô tư, người ta sao mình vậy, miễn là “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Sáng tập dưỡng sinh, tối đi văn nghệ, thi thoảng đi làm từ thiện với Hội Chữ thập đỏ. Chị vẫn thích đoạn thơ trong bài “Mùa xuân ra thăm chị” của tôi:
“Trông lên chẳng có bằng ai
Vẫn vui lịch lãm con người thủ đô
Thảnh thơi gác mọi âu lo
Ngày dài tháng rộng
trời cho... chị cười”.
6-2011
LAM GIANG