Liên kết đặt máy trong bệnh viện công
Thanh tra TPHCM đã từng phanh phui ra hàng loạt bệnh viện (BV) công tại thành phố liên doanh, liên kết cho tư nhân bên ngoài đặt máy chẩn đoán, xét nghiệm có nhiều sai phạm. Từ đó đã lộ ra những khuất tất như lấy của công làm tư, lợi ích nhóm và trên hết là móc túi người bệnh. Thế nhưng, chưa rút hết “sợi dây kinh nghiệm” thì nay lại lùm xùm vụ kiện cáo tại BV quận Tân Phú cũng liên quan đến liên kết đặt máy móc.
Lằng nhằng công - tư
Mới đây, bà Tôn Thị Mỹ Lệ (Giám đốc Phòng khám Đa khoa Việt Phước ở quận Tân Phú) đã gửi đơn phản ánh về việc liên kết xã hội hóa làm phòng vật lý trị liệu đặt tại BV quận Tân Phú. Ngày 1-11-2012 hai bên đã ký hợp đồng, BV góp 100m2 đất, bà Lệ góp vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trị giá 2,5 tỷ đồng. Tỷ lệ “ăn chia” lợi nhuận là bà Lệ 35%, BV 65%. Tuy nhiên, hoạt động một thời gian thì xảy ra tranh chấp do thiếu minh bạch thu - chi, quản lý và sử dụng nhân sự. Phía Phòng khám Việt Phước nhiều lần yêu cầu Giám đốc BV quận Tân Phú quyết toán hoạt động kinh doanh, nhưng đều bị phớt lờ. Theo bà Lệ, đầu tư hơn hai năm nay nhưng không biết phòng khám thu chi bao nhiêu, lợi nhuận cũng không.
Máy móc chụp chiếu tại một cơ sở y tế công lập
Trước đòi hỏi của bà Lệ, ngày 25-3-2015, ông Đinh Thanh Hưng, Giám đốc BV quận Tân Phú, gửi bản cung cấp thông tin đến Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TPHCM rằng việc hợp tác với Phòng khám đa khoa Việt Phước là do nhu cầu và nguyện vọng của anh ruột ông Hưng (ông Đinh Thanh Tân) và bà Mỹ Lệ. Ông Hưng không tham gia góp vốn và không có liên quan gì về quyền và lợi ích tại phòng khám (?). Vấn đề đặt ra là ông Hưng có tham gia “chân trong chân ngoài hay không”? Có lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích cho người thân hay không? Trong khi ông Hưng là giám đốc của BV công!
Tương tự, bà L.T.M.Thường, Giám đốc Công ty TNHH Tấn Dũng (TPHCM) cũng có đơn tranh chấp với BV quận Tân Phú. Theo bà Thường, tháng 10-2012 bà đã liên kết với BV quận Tân Phú để xã hội hóa phòng xét nghiệm trong thời gian 5 năm. Hợp đồng “làm ăn” được ông Đinh Thanh Hưng, Giám đốc BV, ký ngày 16-10-2012 với nội dung phía BV đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, Công ty TNHH Tấn Dũng đưa thiết bị máy móc vào hoạt động trong phòng xét nghiệm. Trách nhiệm của BV là “chỉ định bệnh nhân và thu tiền viện phí”. Theo hợp đồng được ký kết, hàng tháng và hàng quý, hai bên cùng quyết toán. Về lợi nhuận, năm đầu tiên, công ty được hưởng 58%, BV 42%. Từ năm thứ hai trở đi, tỷ lệ “ăn chia”: công ty hưởng 55%, BV lên 45%. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH Tấn Dũng, sau khi bỏ ra 2,4 tỷ đồng đầu tư và hoạt động được 6 tháng, phía BV lại không chi phần lợi nhuận như đã cam kết và gây khó dễ… Hiện vụ việc đang tranh chấp và Công ty TNHH Tấn Dũng đã rút toàn bộ máy móc, yêu cầu BV bồi thường…
Độc quyền cung ứng vật tư, hóa chất
Thanh tra TPHCM cũng vừa công bố đã thanh tra BV Mắt TPHCM và chỉ ra những bất cập trong hợp tác đặt máy móc xã hội hóa tại đây. Theo báo cáo của BV Mắt, từ tháng 10-2013, có 6 đơn vị hỗ trợ kỹ thuật bằng việc đặt máy phẫu thuật thế hệ mới và máy xét nghiệm. Cụ thể, Công ty TNHH Bách Quang hỗ trợ máy Intralase - Femto Laser dùng để phẫu thuật Lasik trị giá gần 14,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát Triển đặt 5 máy hơn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Tâm Hợp đặt 3 máy; Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công đặt 3 máy… Mặc dù việc liên kết với các công ty đặt máy không nhằm thu phí sử dụng máy, nhưng cơ quan thanh tra chỉ ra rằng BV đã cam kết ưu tiên sử dụng vật tư tiêu hao, hóa chất của các hãng có máy đặt hỗ trợ!
Với chủ trương xã hội hóa, bức tranh liên doanh, liên kết ở nhiều BV công lập đang ngày càng xám xịt và người bệnh đang trở thành nạn nhân. Điển hình mà cơ quan chức năng đã từng phanh phui như tại BV Bình Dân, BV Nguyễn Tri Phương. Từ năm 2006, BV Bình Dân cho đặt một loạt 3 máy tán sỏi ngoài cơ thể, 2 máy siêu âm trắng đen, máy CT Scanner với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Sau đó tiếp tục cho đặt máy X-quang, 2 máy siêu âm màu. Còn từ năm 2007 đến 2012, BV Nguyễn Tri Phương đã cho đặt hàng chục máy, thu về khoản lợi nhuận ăn - chia, như: máy siêu âm Doppler màu tim, máy siêu âm 4D, máy chụp màu đáy mắt, máy cộng hưởng từ 1,5TESLA, máy đo độ loãng xương, hệ thống máy rửa ruột… BV quận 4 cho đặt hệ thống lọc máu định kỳ, hệ thống máy Phaco Diplomax II; BV quận Thủ Đức cho đặt máy CT-Scanner, X-quang kỹ thuật số, máy soi cổ tử cung, máy đo tim thai, máy chụp MRI…
Việc “đặt máy” như trên đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của công tác điều trị và lượng lớn bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các BV công đã “lấy công làm tư” khi cơ sở vật chất, nhân sự đều do nhà nước đầu tư, đào tạo, trả lương, nhưng lại phục vụ cho mục đích “ăn chia” của một nhóm người. Chưa hết, để tăng nguồn thu cho BV lẫn đối tác nhằm sớm hoàn vốn và có lãi, các BV đã không ngần ngại chỉ định xét nghiệm, chiếu - chụp vô tội vạ hòng móc túi người bệnh. Điều đáng nói, qua xã hội hóa đặt máy đã làm lợi “sân sau”, gây thất thu, thất thoát tiền nhà nước khi tỷ lệ “ăn chia” bao giờ phần nhiều cũng cho đối tác, còn BV rất ít (khoảng 20% - 30%). Có khi máy móc đã qua sử dụng và đối tác đã thu hồi vốn từ lâu, nhưng vẫn tiếp tục cho thu. Không những vậy, ngoài việc đặt máy, hầu hết đối tác của BV đảm nhiệm luôn việc độc quyền cung ứng hóa chất, vật tư nên mức lời càng lớn.
| |
TƯỜNG LÂM