Ngày thứ 3 Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017
>> Nghị trường “nóng” chuyện tham nhũng
(SGGP).- Ngày làm việc thứ 3 của Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017 diễn ra với 8 hội thảo, trong đó đáng chú ý là hội thảo “Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ” (ảnh) do Nhóm công tác về luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các công cụ rà soát hiệu quả thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh.
Theo CPLG, các thành viên của APEC sẽ đánh giá về mức độ cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và giữa các thành viên với nhau; thảo luận các vấn đề về kinh tế học của chính sách cạnh tranh; đồng thời nghiên cứu về năng lực, thẩm quyền điều tra của các cơ quan quản lý. Một số tham luận hội thảo dẫn chứng, thời gian qua loại hình dịch vụ taxi Uber xuất hiện khiến nhiều đơn vị lúng túng và nghề taxi truyền thống bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các ngành nghề mới như vậy cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy sáng tạo, chấp nhận sự cạnh tranh với ngành truyền thống ra sao? Đại diện đến từ Australia cho biết, nhiều thành phố lớn từ nước này không chỉ có dịch vụ Uber hoạt động taxi, mà các loại ca-no du lịch trên biển, sông cũng áp dụng công nghệ tương tự. Cái chính là có chính sách phù hợp cho từng loại hình để hoạt động công bằng.
Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong hơn 10 năm thực thi các quy định luật cạnh tranh, đến năm 2015, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền. Ví dụ thời gian gần đây, một số cơ quan quản lý nhà nước ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… đã ban hành một số văn bản có tác động phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp hoặc buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, dịch vụ từ các danh nghiệp được các cơ quan này chỉ định. Điều đó cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi chính sách cạnh tranh, cũng như công tác tham vấn chính sách.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng phòng Chính sách vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam phải học tập ở các thành viên APEC là nhận thức, cách ứng xử đối với chính sách cạnh tranh. Khi xảy ra các vấn đề liên quan đến việc cạnh tranh thì chúng ta có phát hiện, xử lý được hay không? Đó không chỉ là năng lực của cơ quan điều tra mà còn là hệ thống thông tin để hỗ trợ như các số liệu thống kê, các đánh giá, tác động với các nhóm ngành nghề mới. Đây chính là những thách thức buộc Việt Nam phải tham gia để tiếp cận các thông lệ chung.
VĂN NGỌC