Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, 50 học viên tiêu biểu ở các cơ sở chữa bệnh thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM vừa được tuyên dương và có buổi giao lưu thú vị với 3 người trong cuộc. Đây là những người tái hòa nhập cộng đồng đã có thành công bước đầu. Họ đã cùng chia sẻ về những trăn trở trong hành trình gầy dựng lại niềm tin vào cuộc sống.
Cuộc sống mới
Không đao to búa lớn, lời khuyên chân tình bắt đầu từ chính câu chuyện của từng người. Đầu những năm 1990, không cưỡng được lời rủ rê của bạn, L.T.B. (SN 1976, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), liền “chơi” thử heroin với suy nghĩ: Thích thì dùng, không thích thì thôi. Nhưng không đơn giản vậy, từ đó, B. càng rời xa vòng tay người mẹ và dính chặt đời mình với “nàng tiên trắng”.
Không được tụi con trai trong nhóm bao “hàng” xài, do người chết, người bị “rớt” (bị bắt), B. phải làm gái hoặc bán ma túy kiếm lời. B. chọn cách thứ hai và bị bắt. Suốt hơn 10 năm, B. ra trường vào trại. Bao nhiêu lần cai là bấy nhiêu lần thất bại. Biết mình có “H” (HIV), B. buông xuôi. Cho đến khi hình ảnh người mẹ tiều tuỵ, run rẩy vượt hàng trăm kilômét mỗi lần thăm nuôi đã khiến B. không còn buông xuôi được nữa. “Con đã làm gì khiến mẹ tiều tụy đến nhường này?”, lời tự vấn thốt ra, lương tâm đã trở về.
Sau 6 năm tái hòa nhập cộng đồng, nhờ điều trị ARV, giờ đây, B. đã có gia đình riêng rất vui vẻ, hạnh phúc, cả 2 vợ chồng đều là giáo dục viên đồng đẳng. B. chia sẻ: “Trước đây, kiếm được tiền chích được cữ này lại phải đau đầu tính toán kiếm tiền lo cho cữ sau. Giờ thoát ra rồi, nhẹ nhàng, thoải mái lắm. Thỉnh thoảng có tiền, hai vợ chồng lại đi du lịch. Mẹ B. cũng được ngẩng mặt lên nhìn mọi người…”.
Với anh N.N.Th. (SN 1979, ngụ quận Gò Vấp), sau 4 năm tái hòa nhập cộng đồng, bây giờ, cuộc sống cứ vui phơi phới. Cao ráo, trắng trẻo, có công việc với thu nhập gần 10 triệu đồng ở một công ty xuất nhập khẩu giúp anh lo vẹn toàn cho gia đình riêng với 1 con nhỏ. Th. còn thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ trong các chương trình xã hội.
Tương tự, anh P.L.T. (SN 1969, ngụ phường Tân Định, quận 1), chia sẻ: “Không phải đã từng sử dụng ma túy là cuộc đời mất hết. Tất cả các bạn còn trẻ và tương lai vẫn đang ở phía trước. Quan trọng là chúng ta từ bỏ được ma túy”.
Bản lĩnh và niềm tin
Khó khăn, hãy gọi tôi Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nhắn nhủ: “Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, nếu các bạn gặp khó khăn về xin việc làm, làm lại giấy tờ tùy thân, xác nhận lý lịch… mà không được chính quyền địa phương giải quyết ổn thỏa, hãy gọi điện thoại cho tôi - 0903903166. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ can thiệp, giúp đỡ bạn”. |
Nhưng làm sao để từ bỏ, không quay lại đường cũ? Nhiều câu hỏi “quay” tới tấp nhóm anh, chị đã tái hòa nhập cộng đồng thành công.
Trả lời câu hỏi: “Làm gì để vượt qua cám dỗ của ma túy và lời rủ rê của bè bạn?”, chị B. nhắn nhủ: “Khi có bạn bè xấu rủ rê, mình cần phải có nghệ thuật từ chối, có thể vừa đùa vừa thật là mình đã từng chơi chán rồi, giờ không thèm nhớ gì nữa. Đang ở nhà, cơn thèm chợt đến, em có thể gọi điện, tâm sự, tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân để phân tán suy nghĩ, cho qua cơn. Đi trên đường, gặp cảnh mua bán “hàng”, hãy mạnh dạn phớt lờ, ráng tập trung suy nghĩ về vấn đề khác. Em có thể soi gương, tự nói với mình, hôm nay là một ngày trời rất đẹp và là một ngày mình sẽ không sử dụng ma túy. Hết ngày, em lại soi gương, hoan nghênh mình. Mỗi ngày đều luôn tự nhắc nhở mình, tạo thành thói quen có một cam kết, khẳng định và niềm tin với chính bản thân mình là dứt khoát từ bỏ ma túy”.
“Đường đời ai cũng gặp khó khăn. Ma túy không tự dưng chui vào cơ thể, nếu mình không chủ động đưa nó vào. Tôi tin rằng, có bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, các em sẽ vượt qua được”, anh T. khẳng định.
Trước tâm tư: “Người tái hòa nhập cộng đồng tìm việc làm sẽ gặp khó khăn gì và xử lý như thế nào” của một bạn trẻ, anh T. chia sẻ: “Nếu không tự tạo được việc làm, hãy mạnh dạn liên lạc với chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ cán sự xã hội nhờ tư vấn và giúp đỡ cụ thể”.
Một bạn khác hỏi: “Ở trung tâm, em đã học nghề may. Sau này em xin vô xí nghiệp có được nhận hay không, xí nghiệp có biết quá khứ của em không?”. Anh Th. giải thích: “Trong lý lịch, chính quyền địa phương chỉ xác nhận em đang cư trú tại địa phương chứ không ghi là đã đi cai nghiện nên không ai biết. Nếu tay nghề đạt yêu cầu, em cứ nộp hồ sơ xin việc bình thường”.
Được biết, khi chữa bệnh tại các trung tâm cai nghiện, trong 50 học viên tiêu biểu, nhiều bạn đã được học, cấp chứng chỉ các nghề chăm sóc hoa cây cảnh, sửa xe gắn máy, tin học, may mặc… Dịp này, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tuyên dương, trao tặng mỗi học viên tiêu biểu một phần quà. Với nỗ lực của bản thân và sự chia sẻ động viên kịp thời, hy vọng mỗi học viên sẽ có niềm tin, khát vọng để bước qua một thời lầm lỗi, gầy dựng cuộc đời mới.
MẠNH HÒA