Câu chuyện chứng khoán

Chiếc dù căng gió

Chiếc dù căng gió

Đài VOA (Mỹ) đêm cuối cùng của năm 2006 đưa tin “Tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ JP Morgan Chase tổ chức phiên điều trần về đầu tư chứng khoán vào Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ đến gõ chiêng tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TPHCM.

Điều thú vị chính là các tổ chức tài chính và ngân hàng đầu tư của Thụy Sĩ cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Quỹ đầu tư Việt Nam Holding của Thụy Sĩ đang khởi động yêu cầu bỏ vốn vào các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam.

Đặc biệt người Hàn Quốc rất nhạy bén, họ rập rình kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam từ hơn một năm nay.

Gần đây các báo đã nhập cuộc, luôn có những bài nhận định, đưa tin về TTCK TPHCM và Hà Nội. Trước năm 2003, trên bảng điện của TTGDCK TPHCM chỉ lèo tèo 5 công ty niêm yết.

Cuối năm 2005 mới có trên dưới 30 công ty. Vậy mà năm 2006 số công ty niêm yết ở cả Hà Nội và TPHCM đã vọt lên gần 140 công ty, trong đó TPHCM chiếm hơn 100.

Chỉ số VN-Index liên tục tăng, tại sàn giao dịch chứng khoán TPHCM ngày 12-1-2007 đã vọt lên 914,79 điểm, đến đầu tháng 3 này tiếp tục tăng vút lên trên 1.300 điểm.

Chiếc dù căng gió ảnh 1

Thị trường Chứng khoán ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Ông Trần Vân, một chuyên gia kinh tế Việt kiều nói với tôi: “Trong năm qua, TTCK Việt Nam phát triển rất mạnh, đó là dấu hiệu đáng mừng, tôi đã đọc các báo trong nước, họ lo lắng, họ kêu “sốt”, kêu “nóng”, họ muốn hạ nhiệt thị trường. Tôi không nghĩ như vậy”.

Tôi hết sức chăm chú ý kiến của ông Vân. Vấn đề đáng lo không phải là thị trường lên hay xuống mà là cái nền của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vân cho rằng, người có tiền, đôi lúc say, người có máu “đỏ – đen” nhiều khi khát nước. Nhưng ông nói: “Đã có thời chúng ta muốn nó lên, nó không lên. Bây giờ, chúng ta muốn nó xuống, nó không xuống. Say rồi tỉnh, uống đến độ nào đó sẽ hết khát. Đó là nói chơi. Còn… quy luật kinh tế, anh khỏi lo, nó tự điều chỉnh theo “cung” và “cầu”. Chẳng ai dại gì khi đồng tiền dính liền với khúc ruột”…

Điều mà ai cũng thấy, mới đây (đầu tháng 3-2007) TTCK Trung Quốc chao đảo theo chiều hướng đi xuống, thì… ngay lập tức Mỹ – Nhật – Pháp rúng rính theo, nó kéo chúng ta cũng hạ nhiệt. Tất nhiên, thị trường nóng có lợi cho mọi người hơn.

Những ngày này, đến các sàn giao dịch của công ty chứng khoán sẽ thấy những gương mặt háo hức, tập trung, chen lấn và cả những tư thế ngồi bệt theo dõi bảng điện chẳng giống ai.

Thậm chí có những người vừa chen, vừa hỏi, họ chưa biết gì về thủ tục giao dịch, họ chưa từng học chứng khoán. Vậy mà… sẵn sàng chơi, chỉ vài buổi là hiểu, “chơi rồi sẽ biết”.

Điều này đã xảy ra và thật vô cùng nguy hiểm. Có điều rất lạ, dù chẳng biết gì, họ chen, lấn, chơi và trúng. Có lẽ, chỉ khi về nhà, ngồi một mình ngẫm lại, họ rất cần những hiểu biết về cái sân mà họ đang chơi.

Người viết bài này có nhận định riêng của mình là những sôi động nóng vừa qua, chẳng có gì lạ, các doanh nghiệp cuối năm 2006 đồng loạt lên sàn, lại là những doanh nghiệp “nặng ký” làm ăn rất khá.

Chính họ làm cho TTCK phát triển và sôi động. Thị trường phát triển, tâm lý “hồ hởi” kéo theo những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh tay, chính những tác động tài chính này đã khơi dậy nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp.

Tất nhiên, loại trừ những “nhà đầu tư” đánh bạc mua bán ngay trong vài phiên giao dịch, số khá đông đã đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp, họ bỏ vốn làm ăn lâu dài, chẳng có gì phải lo lắng.

Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp là cần phải củng cố nội lực, làm ăn bền vững. Có như vậy, thị trường tiếp tục phát triển. Mất chân đứng, ở dưới là một hố sâu thì tránh sao khỏi sụp đổ.

Các doanh nghiệp cũng như cá nhân người đầu tư có lẽ cần bình tĩnh và nên hiểu cái quy luật khắc nghiệt của luật chơi chứng khoán.

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục