Chiếc ghế ấy cũng khá giống với chiếc ghế mà ông Đặng Trần Chỉnh nói (cầu thủ giữ hết ba chân). Chiếc ghế ấy thực chất đã lung lay ngay từ cúp Truyền hình Bình Dương rồi. Chiếc ghế mà khi đội Bình Dương vô địch, người hâm mộ đất Thủ tuy hân hoan nhưng vẫn cứ “cay cú” cái chỗ của ông Xương...

HLV Đoàn Minh Xương (Bình Dương) buồn bã sau trận thua của đội nhà trước M.Hải Phòng 2-3.
Và phản ứng của người hâm mộ ấy cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần (vốn không vững) của lãnh đạo đội Bình Dương – những người cứ phải chịu trận nghe than phiền Bình Dương thua vì “tướng” và Bình Dương sở hữu một rừng sao nhưng không phát huy được.
Có một nghi vấn cũng liên quan đến “sao” mà ông Xương đang đau đầu: “Sao” cầu thủ có nhiều người không đá?
Trước hết, “tướng” phải chịu trách nhiệm về điều ấy vì “lính” ra trận mà không đá có nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là không phục thầy nên không hết mình với thầy và để chuyện riêng chi phối chuyện chung.
Nhưng ông Xương cũng có nỗi khổ của ông khi ngồi đúng vào cái ghế “nóng” mà HLV Vương Tiến Dũng phải dứt áo ra đi sau khi tạo nên một nền tảng vững chắc cho Bình Dương.
Ông Dũng có lần đã nhấn mạnh: “Tôi phải là người quyết định cầu thủ ra sân”. Và có lúc ông Dũng đã được toàn quyền quyết định điều ấy. Tuy nhiên có một nỗi khổ mà ông Dũng phải chịu đựng là chuyện mua cầu thủ giá cao cỡ vài trăm triệu đồng đến gần bạc tỷ thì ông Dũng lại không phải là người quyết. Và nhiều lúc ông chịu cái sức ép của cầu thủ bạc tỷ hoặc vài trăm triệu đồng lãnh đạo mua về sao lại để phí.
Ông Xương cũng vướng vào chuyện đấy dù so với ông Dũng, ông Xương “mềm” hơn và không rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn như ông Dũng.
Ông Xương ngồi vào ghế nóng như được ấn vào cùng với việc sở hữu một rừng sao. Ông Xương khổ hơn ông Dũng ở chỗ ông phải điều động một rừng sao phức tạp và nhiều nhóm hơn ông Dũng. Có Thế Anh, Châu Trí Cường phải đi và săn được Amaobi thì Kesley chẳng là cái đinh gì (theo cách nói khi đồng ý để Kesley trở thành cầu thủ tự do).
Cúp Truyền hình Bình Dương là cuộc chào hàng của hàng loạt sao mà ông Xương phải sắp xếp theo từng thể loại, từng nhóm và rà sóng, tìm tần số chung của 11 con người có bao nhiêu cùng sóng với nhau.
Việc đấy không đơn giản như thời ông Xương làm ở Đồng Tháp. Đồng tiền ở Bình Dương, ông Xương có được gấp 7-8 lần ở Đồng Tháp và trách nhiệm cũng nặng nề hơn.
Ông Xương bị buộc phải có hiệu quả nhưng ông không tìm được tiếng nói chung ở một đội bóng nhiều con người, nhiều ngôi sao, nhiều cá tính và cũng nhiều nhóm.
Giữa thành tích cùng việc sở hữu một rừng sao và cái việc ông muốn xây, muốn làm đã không cùng xuất phát điểm với nhau. Ông buộc làm “tướng” phải có sự gặt hái và chiếc Cúp vô địch BTV đã cứu ông. Cứu về mặt hình thức hơn là cứu cho cái lộ trình mà ông về với chiếc ghế nóng ông không xác định được.
Hôm qua, Bình Dương có lúc thua thật dễ Hải Phòng, trong đó có bàn thua ngay sau cú giao bóng.
Hôm qua, nhiều cầu thủ Bình Dương đá thật lỗi nhịp mà người xem cũng không thấy ông Xương ra chỉ đạo.
Ông như bị bất lực bởi cái bệnh “trên bảo dưới không nghe” mà 11 con người ra sân không là một tập thể.
Ông đang bị mang tiếng là một vị tướng dở. Thực chất thì “tướng” nào nhảy vào Bình Dương trong thời điểm này mà không được “gật” từ trên xuống dưới cũng chết!
Những nhà điều hành đội bóng không kiên nhẫn với một lộ trình và cũng không quan tâm nhiều đến sự phân tán ở một đội bóng nhiều sao.
Ông Xương có thể sẽ phải ra đi như ông Dũng. Chuyện bình thường. Vấn đề là ai ngồi vào cái ghế nóng điều hành theo mô hình mà hai ông “tướng” ngoại tỉnh từng đau đáu trên “ghế điện” mới quan trọng.
NGUYỄN NGUYÊN