- Bất ổn và bất bình đẳng
Từ ngày 17-9, hàng trăm thanh niên Mỹ đã chiếm một công viên ở trung tâm tài chính Mỹ. Phố Wall, thủ phủ tài chính của New York, nơi có nhiều ngân hàng, nhà môi giới và công ty tài chính Mỹ. Trong những ngày gần đây, một số người Mỹ nổi tiếng đã ủng hộ cuộc biểu tình. Nhưng nhiều thanh niên đã trở thành ngôi sao quyết định làm một điều gì đó để khẳng định họ đã biết sai lầm ở đất nước này.
Tôi đã gặp một số người từ bỏ cuộc sống bình thường đến sống trong công viên hết ngày này qua ngày khác, đối mặt với mưa gió và giá lạnh. Người đầu tiên tôi gặp là Jake Dodenhoff, 18 tuổi, đến từ New Jersey và vừa tốt nghiệp phổ thông. Anh gia nhập cuộc biểu tình từ những ngày đầu.
Jake nói: “Tôi biết có điều gì đó sai lầm trên đất nước chúng tôi, nhưng tôi không thể nói được nó là gì. Khi việc chiếm giữ phố Wall xảy ra, có gì đó bùng lên và tôi biết phải tham gia giúp những người khác thay đổi”. Jake nói thêm rằng chiếm lấy phố Wall là điều có ý nghĩa nhất anh làm được từ trước đến nay.
Gia đình Jake bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, lâm vào cảnh nợ nần và phải mất nhà cửa. Jake rất muốn vào đại học nhưng không đủ tiền đóng học phí. Anh đã quyết định cống hiến cuộc đời mình cho sự thay đổi trong xã hội. Khi được hỏi về nhận thức đối với hệ thống chính trị Mỹ, anh nói: “Nền kinh tế Mỹ trong tình trạng hỗn độn, việc làm bị đưa ra nước ngoài và thất nghiệp tăng cao trong nước. 400 người giàu nhất nắm giữ 50% tài sản quốc gia. Những tập đoàn kinh tế đang kiểm soát các nhà chính trị bởi vì chính trị gia phải dựa vào người bỏ tiền vận động tranh cử cho mình”.
Tôi trò chuyện với Season, 22 tuổi, đến từ Cleveland, bang Ohio, đã cắm trại ở đây 4 ngày. Cô nói rất muốn trở lại trường nhưng không thể vay được tiền trả học phí. Cô tham gia biểu tình vì biết rằng có hàng núi tiền ở đất nước này nhưng không ai biết chúng ở đâu. Season nói: “Tầng lớp trung lưu đã biến mất chỉ còn tầng lớp giàu có và những người nghèo khổ vì tầng lớp trung lưu giờ đã biến thành người nghèo”.
Phản kháng sự cai trị của chủ nghĩa tư bản
Hàng trăm bạn trẻ chưa bao giờ tham gia hành động đấu tranh nào trước khi họ rời cuộc sống thường nhật để đến sống trong một công viên ở phố Wall. Mỗi người có một lý do và yêu cầu khác nhau khi tham gia biểu tình và chỉ mơ hồ nhận thức về những vấn đề phức tạp của cuộc khủng hoảng, nhưng họ thống nhất một quan điểm rằng có điều gì đó sai lầm ở nước Mỹ, nơi tiền bạc ngự trị, còn con người là hàng hóa trong một thị trường nhẫn tâm. Họ cảm nhận sự bất bình đẳng của một xã hội nơi chính phủ điều hành theo chỉ thị của người giàu và 99% số người còn lại có rất ít quyền kiểm soát đối với lao động của mình và của cải do mình làm ra.
Những số liệu gần đây cho thấy 1 trong 5 người Mỹ sống trong mức nghèo và nhiều người ở mức cực nghèo. Cuộc sống tại Mỹ hiện đang bấp bênh, nhiều lo lắng và căng thẳng. Hầu hết mọi người xa lánh nhau và đơn độc. Tôi nghe những người biểu tình kể gia đình họ tan vỡ vì áp lực đồng tiền và thiếu sự gắn kết cộng đồng.
Những người tham gia chiếm giữ phố Wall đã lấy ý tưởng từ cuộc đấu tranh “Mùa xuân Ảrập” làm nguồn cảm hứng. Có một số điểm tương đồng nhưng vẫn có khác biệt quan trọng. Hầu hết các cuộc biểu tình trong “Mùa xuân Ảrập” đều dựa trên các phong trào xã hội được tổ chức chặt chẽ, trong đó có cuộc đấu tranh của công nhân và thống nhất các yêu sách thành một thể.
Tuy vậy, đến nay đã có hơn 15 nghiệp đoàn lao động lớn tham gia chiếm giữ phố Wall để yêu cầu việc làm và chống lại sự tham lam của các công ty, góp thêm tiếng nói và sức mạnh chính trị cho cuộc biểu tình. Câu khẩu hiệu của họ là: “Đã đến lúc đứng lên. Chúng ta là 99%”.
Những người trẻ đầy nhiệt huyết đang chiếm giữ phố Wall đã nhóm lên ngọn lửa đoàn kết và ủng hộ của hàng triệu người trên khắp nước Mỹ và cả thế giới. Sự táo bạo của họ đang khuyến khích phần còn lại của 99% người Mỹ đứng lên và sáng tạo trong cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của chủ nghĩa tư bản và vì một hệ thống nhân đạo đặt lợi ích của con người lên trên lợi ích cá nhân.
Có thể nói, từ góc độ nào đó, điều này có nghĩa họ đang đấu tranh cho tương lai xã hội chủ nghĩa. Tôi tin rằng nhiều người trong số thanh niên này sẽ tích lũy được kinh nghiệm và tiến lên theo chiều hướng đó.
VIỆT KHOA (dịch)
MERLE RATNER (từ New York, viết riêng cho Báo SGGP)
- Thông tin liên quan:
>> “Chiếm lấy phố Wall” có nguy cơ lan rộng trên thế giới