Chiến binh thánh chiến hồi hương đe dọa an ninh Nga

Chiến binh thánh chiến hồi hương đe dọa an ninh Nga

Ngày 25-3, tờ L’Orient Le Jour của Pháp dẫn lời các chuyên gia nhận định, sau khi kết thúc chiến dịch không kích tại Syria, Nga hiện đang phải đối mặt với một vấn đề cũng liên quan đến quốc gia Bắc Phi này: những đe dọa từ chiến binh tham chiến tại Syria hồi hương.

Thách thức an ninh Nga

Grigori Chvedov, một chuyên gia của Nga chuyên nghiên cứu về khủng bố cho biết, chỉ trong năm 2015, hơn 650 chiến binh thánh chiến người Nga đã từ Iraq và Syria hồi hương. Từ cuối năm ngoái đến nay, an ninh Nga đã bắt nhiều chiến binh bị xem là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dự định thực hiện đánh bom và tẩu thoát trở lại Syria.

Tờ báo Pháp nhắc lại mục tiêu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề ra khi bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria rằng: “Không chờ cho họ đến tận nhà chúng ta”. Theo giới quan sát, “họ” ở đây bao gồm các tay súng ở Syria và chiến binh Hồi giáo Nga từ chiến trường quốc gia Bắc Phi trở về. Ngày 15-3 vừa qua, một ngày sau khi bắt đầu rút đại bộ phận lực lượng tham chiến tại Syria về nước, Hội đồng ngoại giao Nga đưa ra bản báo cáo với nhận định: Sự trở về của các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là một trong những mối đe dọa, thách thức chính yếu nhắm vào nền an ninh quốc gia.

Nhận định này cho thấy, chiến dịch oanh kích và yểm trợ cho quân đội Chính phủ Syria của Mátxcơva sau hơn 5 tháng, phần nào không đạt được mục tiêu mà Tổng thống Nga đề ra ban đầu. Thực ra, khi đưa các máy bay ném bom sang Syria, mục đích số một của Tổng thống Putin không hẳn để tiêu diệt hết 2.900 tay súng khủng bố người Nga, mà phần đông xuất phát từ vùng Caucasus. Tổng thống Putin hy vọng việc Nga can thiệp vào Syria sẽ tác động tích cực vào khu vực có đông dân theo đạo Hồi, từ đó không để cho lực lượng đòi ly khai với chính quyền trung ương ở Mátxcơva đem kinh nghiệm chiến đấu từ Syria trở về Nga.

Nhiều chuyên gia không ngần ngại xem cuộc xung đột tại Syria là cuộc chiến tranh thứ 3 giữa Nga và Cộng hòa Chechnya thuộc Nga. Bởi sau cuộc chiến Chechnya thứ 2, phe nổi dậy phân tán mỏng như một vết dầu loang ra khắp vùng Caucasus. Nhưng vì thất bại trong kế hoạch thành lập một “vương quốc”, một số phần tử cực đoan đã chạy sang Syria, một số khác quy thuận IS.

Những chiến binh thánh chiến người Cộng hòa Chechnya thuộc Nga là mối đe dọa đối với an ninh Nga

Cảm hóa khủng bố

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đã có gần 2.000 chiến binh thánh chiến bị giết sau 5 tháng oanh kích của Nga tại Syria. Tuy nhiên, chuyên gia Nga Andrei Kazantsev cảnh báo, nước Nga vẫn bị khủng bố de dọa như phương Tây. Các cuộc không kích ở Iraq và Syria không bảo vệ được Pháp và Bỉ. Nga cũng vậy, bởi các tay súng thánh chiến Caucasus không phải là mối đe dọa duy nhất. Nga còn phải đương đầu với 7.000 chiến binh Hồi giáo gốc ở nhiều quốc gia Trung Á, đang chiến đấu tại Syria khi trở về.

Trước mối đe dọa tiềm tàng này, Nga không để bị động. Chính quyền địa phương mở các trung tâm hòa giải để giúp những kẻ khủng bố trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, đến nay số người “phục thiện” chỉ có vài chục. Chính sách này chưa mang lại nhiều thành công bởi theo giải thích của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), cần có một cái nhìn bao dung hơn đối với những đối tượng trên. Những thanh niên theo thánh chiến hiện vẫn còn bị xem là tội phạm và nhiều người phải lãnh những án phạt tù nặng. Theo International Crisis Group, nếu thay những án phạt đó bằng việc trao cho họ cơ hội trở thành “những nhân chứng sống”, kể lại những câu chuyện, thực tế đau đớn mà họ đã phải trải qua, để thức tỉnh những người trẻ còn mơ hồ về những gì tốt đẹp mà IS “vẽ” ra ở Syria và Iraq. International Crisis Group khuyến cáo, Chính phủ Nga nên có các biện pháp mềm mỏng hơn thay vì dùng hình phạt pháp lý để ngăn chặn thanh niên gia nhập IS.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục