“Sản phẩm giả, nguy hiểm thật” là chủ đề của chuỗi Hội thảo gắn liền chiến dịch của Bộ Ngoại giao Pháp trong khuôn khổ dự án “FSP MeKong hỗ trợ chống hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong khu vực sông Mê Kông”.
Chuỗi Hội thảo này được thực hiện tại Việt Nam từ ngày 3-4 đến 14-4 với nhiều hoạt động như trưng bày một số mẫu hàng giả, cung cấp những ấn phẩm mang tính giáo dục liên quan đến phòng và chống hàng giả, hàng giả dưới cách nhìn của nghệ sĩ...
Nằm trong sự kiện đặc biệt này, ngày 10-4-2012, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) đã tổ chức tại TPHCM buổi Hội thảo chuyên đề Chống hàng giả trong ngành rượu. Ngoài Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền Sở hữu Trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP), Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA) là đơn vị duy nhất có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước được Ban tổ chức mời tham gia sự kiện này.
Theo bà Lorraine Goumot – Chuyên gia SHTT của Tập đoàn Pernod Ricard, tại khắp nơi trên thế giới, vấn nạn hàng giả ngày một tràn lan, đơn giản vì sản xuất và kinh doanh hàng giả đem lại lợi nhuận rất cao, đặc biệt việc sản xuất kinh doanh rượu giả đã mang đến “siêu lợi nhuận” cho những thành phần xấu mà mọi người cần phải chung sức ngăn chặn vì lợi ích của cộng đồng.
Theo phân tích nêu trên, chẳng những là một thảm họa, hàng giả còn là mối đe dọa đối với các thương hiệu được sản xuất bởi những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng và cũng như “sức khỏe” hoạt động của các đơn vị sản xuất.
Chuyên gia Lorraine Goumot cảnh giác, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trong ngành rượu trên thế giới đều bị làm giả “y chang” như hàng thật và sự việc này hoàn toàn có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thời gian qua, tại Trung Quốc, Đội chống hàng giả “Blue Lotus” (Hoa Sen Xanh) của Tập đoàn Pernod Ricard đã phát hiện nhiều đơn vị và cá nhân sản xuất rượu giả, bao gồm việc sản xuất vỏ chai giả, nút giả, rượu giả, nhãn mác giả. Họ có cả một hệ thống kho hàng để tích trữ và đưa ra thị trường tiêu thụ qua các nhà hàng, quầy bar và tại các siêu thị.
Đại diện Pernod Ricard cũng chia sẻ những kinh nghiệm chống hàng giả tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để chống hàng giả có được thành công doanh nghiệp cần phải:
- Dựa vào Bộ luật hình sự: Trung Quốc và Việt Nam đều qui định việc sản xuất kinh doanh hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì việc sản xuất hàng giả và buôn bán hàng hóa mà biết rõ là hàng giả đều là được xem như là những hành vi tội phạm.
- Thường xuyên mở các khóa đào tạo về Luật SHTT cho các nhân viên, đơn vị chống hàng giả có liên quan.
- Thành lập tại doanh nghiệp Đội chuyên trách chống hàng giả và liên kết với những doanh nghiệp sản xuất cùng ngành.
- Thường xuyên kết hợp với các tổ chức, văn phòng luật sư có tên tuổi để được tư vấn về pháp luật và kết hợp với chính quyền cùng các đơn vị chuyên trách chống hàng giả ở địa phương và Trung ương trong công tác chống hàng giả.
- Kết hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền sự tác hại của hàng giả đến quần chúng.
ANH TRINH