Chỉ với một lần vuốt màn hình điện thoại, ông Sudrajat có quyền truy cập tức thì vào một loạt dữ liệu giúp lập kế hoạch cho các vụ mùa tiếp theo và truy cập vào thị trường tạp hóa đang bùng nổ của Indonesia, ước tính trị giá 120 tỷ USD. Người đàn ông 52 tuổi này là một ví dụ về sức mạnh đột phá của internet đang trao quyền cho mọi người và tăng thu nhập của họ trên các thửa ruộng.
Trung tâm Dữ liệu nông nghiệp và Hệ thống thông tin (CADIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia (MoA) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã công bố chiến lược số hóa nông nghiệp mang tên Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử.
Văn phòng đại diện của FAO tại Indonesia cho biết, chiến lược trên nhằm mục đích khai thác các dữ liệu và nguồn thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp vì lợi ích của các hộ sản xuất nhỏ. Theo đó, đến năm 2027, Indonesia sẽ có cơ sở dữ liệu tích hợp về đất nông nghiệp và nông dân; đưa ra cảnh báo sớm kỹ thuật số về các thảm họa thiên tai; vận hành các hệ thống thu thập, trích xuất và phân tích dữ liệu nông nghiệp.
Theo FAO, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và là nhà sản xuất nông nghiệp lớn. 45% dân số Indonesia sống ở nông thôn và hơn 90% người dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là các hộ sản xuất nhỏ. Các trang trại nông nghiệp chiếm 32% tổng diện tích đất của cả nước và sản xuất trang trại chiếm 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Indonesia đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Chi phí sản xuất nông nghiệp khá cao, trong khi nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nhiều lao động. Nông dân sản xuất nhỏ luôn làm việc chăm chỉ nhất nhưng thu lợi ít nhất trong các hoạt động của hệ thống lương thực.
Quay lại với ông Wawan Sudrajat, ông đã kiếm được số tiền gấp 3 lần so với trước đây. Không chỉ là những gì được trồng đã thay đổi, thực phẩm đi từ trang trại đến bàn ăn cũng đang được chuyển đổi bởi công nghệ. W.Sudrajat là một trong 33 triệu nông dân ở Indonesia dựa vào thương mại điện tử và các công ty như Sayurbox, một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp điện tử, kết nối trực tiếp với cơ sở khách hàng trực tuyến. Một số rau trồng đặc biệt được dành cho bàn ăn của các nhà hàng cao cấp ở thủ đô Jakarta, cách đó khoảng 70km. Phần còn lại sẽ được mua từ những người Indonesia ngày càng yêu cầu sản phẩm hữu cơ và thích mua sắm trực tuyến, một xu hướng đã tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Sayurbox Amanda Susanti cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển đổi từ góc độ kỹ thuật số với tốc độ chóng mặt. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây là tái phát triển hệ sinh thái canh tác theo cách mang lại lợi ích cho nhiều bên liên quan từ nông dân đến người tiêu dùng”.
Sự phát triển của Sayurbox và những doanh nghiệp tương tự cũng đang giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn từ lâu đã là một vấn đề ở Indonesia, từ khoảng cách đường sá đến việc thiếu kho lạnh - đều là những rào cản, cản trở năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Trước đây, những người nông dân có thể thử bán sản phẩm của mình cho các thị trường xa hơn thông qua mối lái, tuy nhiên chi phí sẽ tăng, làm tăng giá cho người tiêu dùng, đồng thời làm hao hụt đáng kể thu nhập của nông dân. Tạo một kênh trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng đã giúp loại bỏ các chi phí này.