“Chiến tranh lạnh” mới ở Trung Đông

Giành ảnh hưởng khu vực
“Chiến tranh lạnh” mới ở Trung Đông

Hiện Syria đã trở thành mảnh đất mới cho các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa 2 quốc gia khu vực Trung Đông là Saudi Arabia - Iran và 2 cường quốc thế giới là Nga - Mỹ. Thực ra, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này không phải bây giờ mới có, chỉ có điều giờ đây nó đã chuyển hình thức và được ví như cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Trong khi các nước đang tranh giành ảnh hưởng thì người dân Syria vẫn gặp nhiều mất mát vì chiến tranh.

Trong khi các nước đang tranh giành ảnh hưởng thì người dân Syria vẫn gặp nhiều mất mát vì chiến tranh.

Giành ảnh hưởng khu vực

Tuy không phải là nước Ảrập, nhưng cũng như Saudi Arabia, Iran có những vùng ảnh hưởng của mình trong thế giới Ảrập. Cạnh tranh giữa hai cường quốc khu vực này có từ xa xưa và được giải thích một phần là do đối kháng giữa hai dòng chính của đạo Hồi: dòng Sunni, với Saudi Arabia được coi là đại diện chính và dòng Shi’ite của Iran. Cuộc cạnh tranh này đã gia tăng mạnh mẽ sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 và những ý định bành trướng để “mở rộng vòng cung Shi’ite” sang thế giới Ảrập của Iran tiếp sau đó. Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein ở Iraq vào năm 2003 và sự trở nên hùng mạnh của người Shi’ite ở Iraq đã làm thay đổi nhiều điều, mang lại lợi thế cho Iran, đặc biệt với việc xảy ra phong trào “Mùa xuân Ảrập” trong một loạt quốc gia Ảrập.

Ngay từ khi bắt đầu xảy ra bất ổn hồi tháng 3-2011 do ảnh hưởng của “Mùa xuân Ảrập”, cuộc khủng hoảng ở Syria đã trở thành điểm bùng phát Chiến tranh lạnh giữa Saudi Arabia và Iran. Giờ đây nó đã đạt tới cực điểm, do một bên ủng hộ ngầm một cuộc can thiệp vũ trang từ bên ngoài chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn bên kia (Iran) dọa sẽ mở rộng cuộc xung đột nếu bên ngoài can thiệp vào Syria. Về chính trị, Saudi Arabia đang cố gắng gây ảnh hưởng hơn, khi vào tháng 7 vừa qua đã giúp bầu ra người đứng đầu Liên minh Dân tộc Syria (SNC), Ahmed Jarba, nằm trong số những người được Riyadh bảo trợ, và là thành viên của Chammar, một bộ tộc lớn có mặt ở cả Syria lẫn Saudi Arabia, cũng là bộ tộc của thân mẫu vua Adallah. Riyadh thậm chí còn đi xa hơn: Vào giữa tháng 8 vừa qua, trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bandar bin Sultan, Giám đốc Cơ quan Tình báo Saudi Arabia, đã đề nghị Nga ngừng ủng hộ chính phủ Al-Assad ở Syria bằng việc ký mua của Nga một lượng vũ khí trị giá nhiều tỷ USD, nhưng đã bị Mátxcơva bỏ ngoài tai. Iran lại đang mạnh về quân sự ở Syria khi họ đã phái các nhân viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng tới giúp chính phủ Syria. Có thể nói, chính sự tranh giành ảnh hưởng của họ tại Syria đã góp phần cản trở một giải pháp chấm dứt nội chiến ở Syria.

Lúc này, khi đang có một sự trì hoãn tạm thời về nguy cơ khả năng nổ ra cuộc tấn công quân sự chống Syria, Iran có phần nào thở phào nhẹ nhõm, và có vẻ như họ đang tạm thắng Saudi Arabia trong cuộc chiến mới này. Đấy là chưa kể sự kiện này đã củng cố một cách tự nhiên cho liên minh Nga-Iran-Syria trước phương Tây và các đồng minh Ảrập, trong đó có Saudi Arabia. Ngoài ra, việc Nga vừa đồng ý cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa S-300 đã được nâng cấp, và xây dựng lò phản ứng thứ 2 cho nhà máy điện hạt nhân Boucher, đang khiến Saudi Arabia rất lo ngại. vô hình trung nó đã đẩy cuộc xung đột ngầm giữa hai cường quốc ở Trung Đông này vào tình thế ngày càng gay gắt hơn, vượt ra ngoài phạm vi của cuộc tranh chấp ảnh hưởng ở Syria như bấy lâu nay.

Cạnh tranh Nga - Mỹ

Cùng lúc này, ngoại giao Nga đã bước vào cuộc chiến quyết liệt giành quyền kiểm soát lời văn trong dự thảo Nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria để đổi lại việc Damascus đồng ý giải giáp vũ khí theo một lộ trình nhất định. Nga đã cử Thứ trưởng ngoại giao Sergey Ryabkov đi Damascus. Nhà ngoại giao Nga đã gặp Tổng thống Assad và hội đàm với Bộ trưởng ngoại giao Syria để thông tin chi tiết các nội dung đã thỏa thuận giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với Ủy ban đối ngoại của Thượng viện. Các thành viên ủy ban này, cả người của đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều chưa tìm ra được lập trường chung về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria mặc dù ông Kerry đã cố gắng đưa ra một kế hoạch chi tiết. Quốc hội Mỹ yêu cầu Nghị quyết của HĐBA phải đưa ra lộ trình hàng tháng giám sát việc chính phủ Assad thực hiện các nhiệm vụ về giải giáp vũ khí hóa học, trong khi không ít nghị sĩ bày tỏ mối hoài nghi khả năng phương án này có thể đem lại kết quả thì một số nghị sĩ khác cho rằng Mỹ cần gây sức ép lên cả Nga bằng cách hối thúc Bộ Tài chính Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga vì đã hợp tác với Damascus.

Hiện các quan chức LHQ chưa thể đưa ra dự báo chính xác ngày sẽ diễn ra phiên biểu quyết dự thảo nghị quyết về Syria. Lần thảo luận đầu tiên dự thảo nghị quyết này giữa các nước ủy viên thường trực HĐBA diễn ra gần 20 phút và mọi thông tin liên quan không được tiết lộ ra báo chí. Tuy nhiên, hãng Reuters cho rằng Nga đang tiếp tục chống lại dự thảo do Anh, Pháp và Mỹ đưa ra với nội dung đe dọa sử dụng vũ lực chống chế độ Syria nếu chính phủ nước này không thực hiện lời hứa tiêu hủy kho vũ khí hóa học.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục