Ngày 3-4, chương trình “Đi bộ chấm dứt nạn diệt chủng” đã được tổ chức ở nhiều thành phố tại bang California, Mỹ, do tổ chức Jewish Word Watch tài trợ. Đi bộ chấm dứt nạn diệt chủng là sự kiện thường niên được tổ chức với kỳ vọng nâng cao ý thức người dân về hành vi vô nhân đạo cũng như sự đồng cảm với những nạn nhân phải trải qua thời khắc đen tối nhất của đời người.
Hồi ức đau thương
Một số người may mắn sống sót khỏi các nạn diệt chủng khi kể lại vẫn tỏ rõ sự hốt hoảng với những khoảnh khắc khủng khiếp mà dường như mới xảy ra ngày hôm qua. Rose Mapendo có tâm trạng như vậy. Cô là người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần của nạn diệt chủng tại Rwanda 17 năm về trước (năm 1994). Cuộc xung đột sắc tộc giữa người Tutsi và Hutu khi đó đã cướp đi sinh mạng của 800.000 người dân vô tội. Nay cô đã có cuộc sống tương đối ổn định bên Mỹ, nhưng mỗi khi nhắc lại khoảng thời gian nạn diệt chủng xảy ra, Mapendo không khỏi bàng hoàng và đau xót.
Vào thời điểm đó, Mapendo đang bụng mang dạ chửa phải đưa chồng đến trú ẩn tại một nơi an toàn, còn cô cùng các con đi đến chỗ trú ẩn khác. Tuy nhiên, sau 1-2 tháng ẩn nấp, 3 chiếc xe tải chở lính đã xuất hiện trước nơi trú ẩn của Mapendo. Cô thoạt nghĩ chắc chắn chúng sẽ chẳng làm hại mẹ con cô bởi cô là phụ nữ và không phải một chính trị gia. Nhưng rồi chúng đã bắt tất cả mẹ con cô lên xe chở đi. Một số tên còn đề xuất “sao không giết quách chúng đi cho xong chuyện”.
Cô và lũ trẻ được đưa đến một căn cứ quân sự, nơi có 35 người khác đang bị giam giữ. Căn phòng giam giữ gần 40 con người chỉ có diện tích nhỏ bằng một cái bếp. Điều kiện sống cực kỳ tồi tệ. Chúng đối xử với mọi người như những con vật. Thậm chí, ngay cả khi Mapendo sinh con trên chiếc sàn xi măng lạnh lẽo, không một ai thèm đoái hoài đến mẹ con cô.
Mặc dù vậy, Mapendo vẫn còn may mắn gấp nhiều lần so với 800.000 người vô tội bị giết hại, đa phần là người Tutsi chỉ trong vòng 100 ngày. Hậu quả của nạn diệt chủng Rwanda để lại khá nặng nề: khoảng 95.000 trẻ em bị mồ côi cha mẹ, 2.000 phụ nữ nhiễm HIV do bị hãm hiếp. Năm 2001, ước tính có khoảng 264.000 trẻ em bị mất mẹ hoặc bố vì bệnh AIDS... Chính vì điều này, ngay sau khi được đến định cư tại Mỹ, Mapendo đã thành lập tổ chức Mapendo New Horizons để giúp đỡ những người chạy nạn khỏi cuộc diệt chủng Rwanda.
Với những cống hiến của mình, Mapendo đã được cơ quan nhân quyền LHQ biểu dương vào năm 2009. Trước đó, cô cũng vinh dự được Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là George W. Bush tiếp đón tại Nhà Trắng trong một buổi gặp mặt trịnh trọng.
Xung đột triền miên tại các quốc gia châu Phi khiến nơi đây trở thành vùng đất của những cuộc thảm sát. Theo một thống kê gần đây, cuộc xung đột tại Dafur do tranh chấp bộ tộc, bước sang năm thứ 8, đã cướp đi sinh mạng của 400.000 người. Trong khi đó, hơn 5,5 triệu người đã bỏ mạng trong các cuộc xung đột kéo dài 14 năm qua ở miền Đông Congo.
Nạn diệt chủng không chừa bất kỳ một vùng đất nào. Châu Âu cũng từng chứng kiến những thời khắc không thể nào quên trong lịch sử hình thành và phát triển của châu lục. Vụ thảm sát 1,5 triệu người Amernia trong khoảng thời gian 1915 - 1923 chắc chắn là một dấu lặng không thể nào quên đối với nhiều người.
Cụ bà Perouz Kalousdian, 101 tuổi, một trong những nhân chứng của vụ thảm sát man rợ mà đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã gây ra. Năm 6 tuổi, cô bé Kalousdian và mẹ của mình phải chứng kiến cảnh người thân của mình bị trói chặt rồi bị ném xuống dòng sông Euphrates.
Nhớ lại thời khắc đó, bà Kalousdian không giấu nổi sự xót xa. Bà cho biết, sau khi những người đàn ông trong làng Palu của bà bị sát hại, phụ nữ và trẻ con gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ phải đấu tranh để sinh tồn. Mẹ bà đã phải gửi bà vào một trại trẻ mồ côi của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ để đi giúp việc cho các gia đình người Thổ. Đến năm 14 tuổi, bà Kalousdian được nhập quốc tịch Mỹ và sang nước này định cư.
Và chắc chắn chẳng ai có thể quên tội ác diệt chủng của phát xít Đức đối với 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở châu Âu và Bắc Phi trong thời gian Thế chiến thứ II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra. Cuộc thảm sát man rợ được tiến hành mà không có ngoại lệ nào dành cho trẻ em hoặc trẻ sơ sinh. Đức Quốc xã đã tiến hành những cuộc thí nghiệm độc dược trên tù nhân, kể cả trẻ em.
Bác sĩ Joseph Mengele, sĩ quan quân y tại trại Auschwitz và là sĩ quan quân y trưởng tại trại Birkenau, được biết tiếng là “Sứ giả Thần Chết” do những thí nghiệm y khoa thực hành trên tù nhân như cố đổi màu mắt bằng cách chích thuốc nhuộm vào mắt tù nhân.
Aribert Heim, một bác sĩ khác làm việc tại trại Mauthausen, được gán cho biệt danh “Bác sĩ Thần Chết”. Lính canh tại các trại tập trung mỗi ngày đều đánh đập và tra tấn tù nhân. Phụ nữ bị buộc vào các nhà thổ phục vụ lính của Đức Quốc xã. Tù binh Nga bị dùng làm vật thí nghiệm như bị nhúng vào nước đá hoặc bị nhốt trong phòng áp lực, rút hết không khí để xem họ có thể kéo dài sự sống bao lâu nhằm tìm ra cách bảo vệ phi công Đức Quốc xã. Nhiều tù nhân khác trở thành bia sống để lính Đức tập bắn...
Còn tại Đông Nam Á, nạn diệt chủng Polpot chẳng thể xóa nhòa trong tâm trí người dân Campuchia. Sau hơn 3 năm, tính từ ngày 17-4-1975, 2,7 triệu người dân Campuchia đã bị chế độ bạo tàn Khmer đỏ sát hại. Vương quốc yên bình Campuchia những năm 1960 đã biến thành trại khổ sai khổng lồ với hàng loạt hố chôn tập thể, cánh đồng chết.
Gây chiến cũng là diệt chủng
Cộng đồng quốc tế luôn lên án và không bao giờ dung thứ các vụ thảm sát và nạn diệt chủng. Những kẻ rắp tâm đi ngược lại với lợi ích của loài người đang phải trả giá cho tội ác của mình: hàng loạt các quan chức của chính quyền Polpot phải ra hầu tòa, cựu Bộ trưởng Tư pháp Rwanda Jean-Baptiste Gatete bị tuyên án chung thân ngày 31-3 vừa qua... Một thế giới hòa bình, tự do, dân chủ được bảo vệ là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn.
Tuy nhiên, cũng không ít các trường hợp vịn vào danh nghĩa bảo vệ dân thường khỏi thảm họa diệt chủng để can thiệp công việc nội bộ hoặc tấn công quân sự một quốc gia khác.
Trong thời gian qua, cuộc tấn công của Mỹ và liên quân tại Libya đang vấp phải sự phản đối của dư luận. Rất nhiều ý kiến cho rằng, liên quân đã lấy cớ bảo vệ dân thường Libya để tấn công vào Libya, nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm của nước này.
Alice Musabende, một nhà báo tại Ottawa (Canada), người từng sống sót khỏi nạn diệt chủng Rwanda đã phản đối mạnh mẽ cuộc chiến của liên quân tại Libya. Cô Musabende cho rằng việc can thiệp quân sự ở Libya không khác gì các cuộc chiến tranh khác hay các vụ thảm sát khác tại châu Phi bởi dân thường vẫn là những người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Nhà báo Musabende đặt câu hỏi: “Liệu có thật sự mục đích chính của đợt can thiệp quân sự này là vì dân thường ở Libya”? Theo cô Musabende, trước khi liên quân can thiệp vào Libya, tình hình tại đây không thể căng thẳng bằng việc phụ nữ Congo bị hãm hiếp và bị giết mỗi ngày. Cũng không thể so sánh với chảo lửa Bờ Biển Ngà bạo loạn từ tháng 11 năm ngoái đến nay.
Diễn biến ở Libya cũng không nóng bằng tình hình Sudan với các vụ xung đột sắc tộc, chia rẽ vùng miền, khiến hàng trăm người thiệt mạng... “Tôi ghét đưa ra những so sánh. Nhưng tại sao cộng đồng quốc tế chỉ cần mất vài tuần, cùng vài cuộc họp khẩn cấp để quyết định triển khai quân đến Libya. Trong khi đó, phải mất đến 3 tháng mới công nhận sự kiện Rwanda là diệt chủng?”, cô Musabende đặt vấn đề.
Không chỉ riêng nhà báo Musabende, rất nhiều người đều nhận định sự can thiệp của liên quân vào Libya là việc làm không cần thiết, đi ngược lại Nghị quyết 1973 của LHQ. Một số chính phủ như Đức, Nga, Trung Quốc đều phản đối mạnh mẽ can thiệp quân sự vào Libya.
Trước đó, Mỹ cũng đã từng lấy lý do Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt ảnh hưởng đến nhân loại để phát động cuộc chiến tranh ở nước này vào năm 2003. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Bush trong cuốn hồi ký vừa xuất bản đã phải thừa nhận “day dứt” vì không tìm thấy vũ khí hủy diệt tại Iraq. Kết quả của cuộc chiến tranh này là hàng trăm ngàn dân thường Iraq đã thiệt mạng. Đất nước của xứ sở 1.001 đêm giờ chỉ còn là đống điêu tàn với bạo lực triền miên chưa có hồi kết.
Đúc kết từ thực tế các vụ thảm sát trong lịch sử, ngày 9-12-1948, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công ước ngăn ngừa, xử phạt tội ác diệt chủng. Nội dung của Công ước xác nhận rằng, diệt chủng là tội ác được thực hiện bằng các hành vi như: giết, xâm phạm đến sự toàn vẹn thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong tập thể, cố ý bắt tập thể phải sống trong những điều kiện dẫn đến việc biến mất cả cộng đồng, thực hiện các biện pháp cản trở việc sinh đẻ của cộng đồng, cưỡng bức chuyển trẻ em từ cộng đồng này sang cộng đồng khác. Người thực hiện, người đề ra chủ trương, cổ vũ, mưu toan thực hành dù là người lãnh đạo nhà nước, là quan chức hay thường dân mà phạm tội ác diệt chủng đều bị đưa ra xét xử và trừng trị. Đa phần các thành viên LHQ đều tham gia Công ước này. Ngày 3-4-1981, Việt Nam tham gia Công ước ngăn ngừa, trừng trị tội ác diệt chủng, và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác của chủ nghĩa Apartheid. |
ĐỖ VĂN