Năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua chương trình cải tổ và mở cửa, cử hơn 10.000 cán bộ đại học ra nước ngoài học tập. Đến giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước, rất ít cán bộ quay về phục vụ, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn “chảy máu chất xám”. Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc với tham vọng vươn lên thành cường quốc kinh tế thế giới đã ý thức được cần gấp rút huy động người tài trở về nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mong muốn. Bài viết “Đãi ngộ người tài” của tác giả Vương Huy Diệu, Tổng Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa trên Tân Hoa xã, đã nêu lên được những điểm mấu chốt mà Trung Quốc cần làm để có sự hợp lực vững mạnh từ nguồn nhân lực mang yếu tố nước ngoài.
Bài phân tích của ông Vương Huy Diệu nhấn mạnh, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa 18 là cơ sở để xây dựng hàng loạt kế hoạch cải cách để tạo ra môi trường lý tưởng cho việc đào tạo và phát triển tài năng. Đặc biệt, đối tượng Hoa kiều sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng hơn trong các khu vực trọng điểm kinh tế, hiện đại hóa của Trung Quốc.
Không chỉ thu hút chất xám từ phương diện lao động, Trung Quốc sẽ dành một số khu vực để các doanh nghiệp cạnh tranh nhưng phải hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc. Đó là những khu vực có nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nước ngoài, vốn cá nhân, được bảo trợ bằng hệ thống thị trường công bằng, đa dạng cho tất cả lĩnh vực, miễn là hợp pháp. Theo đó, chi phí đăng ký, hoạt động kinh doanh sẽ được giảm tối đa. Các ngành tài chính, giáo dục, văn hóa, y tế theo thứ tự sẽ được khai thông. Trong khi đó, giới hạn đầu tư trong các lĩnh vực kiến trúc, kế toán kiểm toán, thương mại hậu cần và thương mại điện tử sẽ được giãn ra. Các chuyên gia đã dự đoán ngành công nghiệp dịch vụ sẽ trở thành mũi nhọn tăng trưởng của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Hoa kiều từ lâu đã để mắt vào lĩnh vực này. Nếu khu vực tài chính của Trung Quốc mở cửa, sẽ càng tạo điều kiện để tự do hóa lãi suất đồng nhân dân tệ và giảm bớt sự kiểm soát đối với dòng vốn. Điều này giúp các doanh nhân Hoa kiều tiết kiệm chi phí, chọn Trung Quốc là nơi đầu tư. Để tạo điều kiện cho họ về nước đầu tư, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều khu vực tự do thương mại như Thượng Hải.
Ngoài khu vực kinh doanh tư nhân, khu vực kinh tế nhà nước cũng sẽ đón những làn gió mới. Các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng sẽ tuyển mộ người tài từ khắp nơi trên thế giới, nhất là những người thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu sâu sắc văn hóa Trung Quốc. Họ sẽ được đãi ngộ với lương bổng hấp dẫn. Hiện Trung Quốc đang trong giai đoạn bắt đầu thực hiện đề án thu hút 1.000 nhân tài trên thế giới trong 10 năm tới. Mỗi chuyên gia nước ngoài đến Trung Quốc theo đề án trên sẽ nhận được mức hỗ trợ ban đầu là 157.000 USD.
Năm 2013 được gọi là “năm tồi tệ nhất của những người mới tốt nghiệp ở Trung Quốc”. 3 triệu người tốt nghiệp không tìm được việc làm và đổ lỗi họ đã không được đào tạo những kỹ năng cần thiết. Trung Quốc đang rất cần những nhân tài vượt trội để lái con tàu kinh tế đất nước nhưng cũng lại đang khó xử trong giải quyết nguồn nhân lực không vượt trội, sản phẩm của hệ thống giáo dục quốc gia.
NHƯ QUỲNH