Chiêu thức quảng cáo “độc” của doanh nghiệp

Chiêu thức quảng cáo “độc” của doanh nghiệp

Đứng trước cơn lốc cạnh tranh của nền kinh tế thời hội nhập WTO, các doanh nghiệp luôn ý thức được về sống còn của sản phẩm - là do người tiêu dùng quyết định. Chính vì thế, quảng cáo luôn là phương tiện để họ lôi kéo các “thượng đế” sử dụng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quảng cáo là một nghệ thuật chiêu dụ khách hàng, không đơn giản “móc hầu bao” của những “thượng đế” một cách dễ dàng,…

Chiêu thức quảng cáo “độc” của doanh nghiệp ảnh 1

Một mẫu quảng cáo ấn tượng về hình ảnh.

Sự phát triển nhanh chóng của các kênh thông tin đại chúng như: báo in, truyền hình, phát thanh, internet, ... đã được các nhà chiến lược marketing áp dụng triệt để khi tung sản phẩm vào thị trường.

Hẳn ai cũng biết, quảng cáo là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược “chiêu thị” (promotion) của marketing hỗn hợp (sử dụng 4P là: product - sản phẩm, price - giá cả, place - phân phối, promotion - chiêu thị).

Mỗi khi tiến hành quảng cáo, nhà sản xuất luôn phải trung thành với nguyên tắc AIDA (get attention - tạo sự chú ý, hold interest - làm thích thú, desire - tạo ham muốn, action - đưa đến hành động mua) để tạo sự hấp dẫn của sản phẩm với các “thượng đế”.

Nhưng, quảng cáo để đạt được hiệu quả mong muốn: có được nhiều người tiêu dùng là điều không đơn giản. Bởi thế, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những chiêu thức mới trong quảng cáo để tạo ấn tượng đặc biệt trong tâm trí công chúng. Tất nhiên, họ cũng không thể thoát ra khỏi nguyên tắc chủ đạo nêu trên của quảng cáo được.

Nếu bạn để ý đến các quảng cáo của những nhà kinh doanh, nhiều khi sẽ phải ngạc nhiên trước hấp lực mời chào sử dụng sản phẩm - dịch vụ của họ. Kỹ thuật sử dụng hình ảnh trong quảng cáo được khai thác ở đỉnh cao của sự sáng tạo. Bởi hình ảnh luôn có sức gợi nhớ nhanh trong suy nghĩ của người tiêu dùng.

Chắc chắn, gương mặt của một cô gái dễ thương - hay nụ cười quyến rũ sẽ được lưu lại trong tâm trí của một số đông người. Ví dụ, trên chương trình truyền hình, ta bắt gặp hoạt cảnh quảng cáo của sản phẩm kem đánh răng X: Một cô gái với dáng vẻ rất dễ thương và một chàng trai phong thái ung dung tự tin (do diễn viên nổi tiếng đóng) đang đi trên đường phố, tiếng nhạc dồn dập cùng với nụ cười quyến rũ của cô gái khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi hoạt cảnh đó.

Khi chàng trai đối diện với cô gái, nụ cười trên môi cô gái lặp lại đã bị ánh sáng phản chiếu, chàng trai bị lóa mắt và một tiếng “bing”, khuôn mặt của anh chàng va vào cây cột (chắc là cột ... điện), cô gái vẫn tiếp tục đi, bỏ lại chàng trai phía sau.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 30 giây, quảng cáo này đã đạt được hiệu quả ấn tượng đối với người xem. Sự pha trộn giữa các gam màu và phối cảnh thật hài hòa của hình ảnh sẽ tạo cảm giác thích thú cho mọi người. Tất cả những điều đó, nhà quảng cáo đã nói lên được: “nếu bạn sử dụng sản phẩm này, bạn sẽ được vui tươi, thoải mái, lòng dũng cảm hoăïc sự khuyến rũ,...”.

Các hình ảnh quảng cáo trên siêu thị trực tuyến www.chodientu.vn

Các hình ảnh quảng cáo trên siêu thị trực tuyến www.chodientu.vn

Hoặc trên các trang quảng cáo của báo chí thường hay xuất hiện những mục giới thiệu tuyển dụng nhân viên (chiếm diện tích cả trang báo) được lặp đi, lặp lại nhiều lần của một số hãng nước ngoài (nhưng đưa ra những điều kiện tuyển dụng rất cao, bạn khó có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng được).

Đây là một chiêu thức mới xuất hiện trong làng quảng cáo sản phẩm của Việt Nam - dùng cho sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, có tác dụng nhắc nhở người tiêu dùng sự có mặt thường xuyên của nó. Hẳn, khi bạn đọc tới mục thông báo tuyển việc làm này, muốn biết nhà tuyển dụng là ai và đương nhiên, những biểu tượng như lô-gô, tên hiệu của nhà sản xuất luôn đập vào mắt bạn.

Dĩ nhiên nhà sản xuất đã đạt được mong ước của mình một cách tế nhị: “chúng tôi liên tục phát triển, sản phẩm chúng tôi đáp ứng được thị hiếu của các bạn, chúng tôi phải tuyển dụng thêm nhân công để gia tăng sản xuất, mang lại thêm những sản phẩm chất lượng để phục vụ các bạn”.

Hoặc như những mục thông báo về sự xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa. Điều này, nhà quảng cáo muốn làm bật lên một tác dụng: “sản phẩm của chúng tôi đang được ưa chuộng sử dụng khắp nơi, nên nhiều người muốn nhái theo mẫu mã, nhãn hiệu để ăn theo”.

Thêm một trường hợp điển hình nữa của phong cách quảng cáo có ấn tượng và mới là sự phối hợp của nhiều nhà sản xuất cùng quảng cáo sản phẩm của mình trong cùng một lần quảng cáo. Việc này vừa tạo hiệu quả tâm lý là sản phẩm đang được mặc nhiên - tức là đương nhiên phải sử dụng. Ví dụ, máy giặt hiệu Electronic và bột giặt Omo.

Khi giới thiệu bột giặt Omo, nhà quảng cáo đã dùng nhãn hiệu “đương nhiên” có mặt trong các gia đình là Electronic để quảng cáo loại bột giặt “tốt nhất” và khuyên người sử dụng “nên dùng”. Hiệu ứng tâm lý được các chuyên gia về quảng cáo lợi dụng triệt để khi áp dụng vào quảng cáo. Và một mũi tên “đã bắn trúng hai con nhạn”: chí phí thấp (hai nhà sản xuất cùng chia đôi số tiền quảng cáo một lần), ấn tượng cao.

Trên đây, chỉ là một số chiêu thức độc đáo trong vô vàng chiêu thức mà các nhà kinh doanh tung ra để lôi cuốn các “thượng đế”. Nếu bạn là một nhà kinh doanh, hãy nghiên cứu và tìm tòi những chiêu thức quảng cáo mới để phục vụ cho công việc “làm giàu” của mình. 

Lương Gia Minh

Tin cùng chuyên mục