Chiếu xạ y tế - Cần chú trọng an toàn bức xạ

Chiếu xạ y tế - Cần chú trọng an toàn bức xạ

Theo Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ - hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), hơn 90% chiếu xạ nhân tạo đối với con người là do các hoạt động chiếu xạ y tế bao gồm X-quang chẩn đoán, y học hạt nhân và xạ trị. Thế nhưng, hiện hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập như thiết bị cũ kỹ, nhân viên vận hành không được đào tạo bài bản, không giấy phép, cơ sở vật chất không đảm bảo… có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, người vận hành lẫn môi trường xung quanh.

  • Được cấp phép hoạt động: còn khiêm tốn
Chiếu xạ y tế - Cần chú trọng an toàn bức xạ ảnh 1
Chụp X-quang tại một cơ sở y tế. Ảnh: T.L.

Theo tính toán của Bộ Y tế, hầu hết các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập trong cả nước đều ít nhiều có sử dụng chiếu xạ. Không chỉ dùng trong X-quang để chẩn đoán bệnh tình, chiếu xạ được sử dụng phổ biến phòng chống ung thư như xạ trị, y học hạt nhân…

Trong những năm qua, cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã có một số hoạt động nhằm đưa chiếu xạ y tế vào nề nếp như tham gia thẩm định, thanh kiểm tra… nhưng xem ra vẫn chưa kiểm soát một cách triệt để.

Cũng theo Bộ Y tế, nhiều cơ sở y tế chưa thấu hiểu quy định về hoạt động an toàn bức xạ (ATBX) nên chưa nghiêm túc trong việc xin cấp giấy phép hoạt động. Một số khác không đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra đối với ATBX nên hoạt động “chui”.

Qua thống kê sơ bộ của Cục Kiểm soát và ATBX - hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) năm 2003 tại 56 tỉnh, thành có hơn 1.200 cơ sở X-quang y tế nhưng chưa tới 1/4 được cấp phép ATBX. Và cách nay chưa lâu, Cục Kiểm soát và ATBX - hạt nhân lại có đợt khảo sát tại 58 tỉnh, thành có 1.367 cơ sở X-quang nhưng cũng chỉ gần 400 cơ sở được cấp phép ATBX.

Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tập trung nhiều cơ sở y tế sử dụng chiếu xạ, nhưng công tác thanh kiểm tra chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tính đến nay, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cũng mới cấp phép và gia hạn cho khoảng 90% cơ sở đáp ứng quy định về ATBX, bao gồm 508 thiết bị X-quang (34 máy chụp cắp lớp CT; 400 X-quang thông thường và 74 máy chụp nha). Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số lượng lớn các phòng khám nha khoa vẫn chưa được cấp phép.

  • Thiết bị cũ kỹ, kỹ thuật viên “tay ngang”

Một cuộc khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cách nay không lâu cho thấy, trong 157 máy X-quang được kiểm tra chất lượng có gần 40% máy chưa đạt yêu cầu, khoảng 50% đạt ở mức trung bình và khá, chỉ có 7% - 10% đạt mức tốt. Nhiều máy X-quang đã quá cũ, được sản xuất trong thập niên 1970 - 1980, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhân viên sử dụng thiết bị X-quang cũng như bệnh nhân và những người xung quanh cơ sở đặt máy.

Về vấn đề này, Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ - hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã từng ghi nhận nhiều cơ sở bức xạ hiện vẫn còn sử dụng một số lượng lớn thiết bị X-quang đã quá cũ, do đó những hồ sơ của máy, tài liệu về xuất xứ, kỹ thuật của thiết bị đã thất lạc, không có đủ thông tin cho việc cấp phép, nhiều thông tin không đáp ứng được như: Hồ sơ đánh giá chất lượng thiết bị, hồ sơ liều bức xạ cá nhân, khai báo thiết bị đo liều bức xạ... Hơn nữa, do điều kiện tài chính và do địa điểm chật hẹp nên nhiều cơ sở khám chữa bệnh (nhất là những cơ sở tư nhân) đã không đạt được những điều kiện về ATBX theo quy định.

Bên cạnh đó, hiện đang diễn ra một tình trạng khá phổ biến là các nhân viên tại những cơ sở chiếu xạ y tế chỉ được đào tạo về kỹ thuật vận hành thiết bị X-quang mà không được trang bị kiến thức về ATBX, nên hầu hết vẫn là “tay ngang”. Có những cơ sở đã trang bị liều kế cá nhân (thiết bị đo liều lượng bức xạ) nhưng lại rất ít được sử dụng. Nhiều cơ sở không nắm được những quy định của Nhà nước về ATBX nên không những không đăng ký cấp phép mà còn tuyển dụng những “thợ vận hành” máy X-quang mà không quan tâm ATBX.

Một thực tế nữa là hầu hết các cơ sở X-quang y tế đã tồn tại trước khi có Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ có hiệu lực (1997), nên không cần giấy phép ATBX vẫn hoạt động được. Các cơ sở này (hầu hết là của Nhà nước) chưa coi trọng công tác đảm bảo ATBX cho nhân viên bức xạ, dân chúng và bệnh nhân.

Một số phòng X-quang có cửa ra vào, cửa sổ được thiết kế như phòng làm việc không bức xạ, khiến bức xạ lọt ra ngoài vượt mức quy định, không có biển cảnh báo bức xạ, đèn báo thiết bị phát tia, thiết bị X-quang hầu như không được kiểm định, thiết bị thanh lý của bệnh viện lại được bán cho cơ sở y tế tư nhân sử dụng. Nhiều cơ sở không trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ, nhân viên không có kiến thức ATBX, thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

THIÊN ÂN

Tin cùng chuyên mục