
Sau khi đợt rầy di trú xuất hiện dày đặc tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) từ ngày 5-3, liên tiếp trong 2 ngày 6 và 7-3, hàng triệu con chim én kéo về đây tiêu diệt rầy nâu. Từng đàn chim én bay lượn trên bầu trời, đậu dày đặc ở nhà lồng chợ, trường học, bến xe Cao Lãnh, các cột ăng-ten nhà dân…

Đàn chim én đậu kín trên các cột ăng-ten nhà dân ở TP Cao Lãnh.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Rầy nâu là nguồn thức ăn của chim én, nên rầy di trú đến đâu, chim én theo đến đó. Nhờ vậy, trong 2 ngày qua, vào buổi tối, lượng rầy nâu giảm nhiều so với ngày 5-3, cuộc sống của người dân cũng ít bị ảnh hưởng. Mật độ rầy trên ruộng lúa cũng giảm hơn so với trước đây. Vài năm trước, khi có đợt rầy, chim én cũng xuất hiện nhưng không nhiều như lần này.
Tuy nhiên, tối 7-3, rầy nâu tiếp tục hoành hành, vào đèn như vãi trấu,khiến cho hầu hết các hoạt động về đêm tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) phải kết thúc hơn mọi khi. Đến 20 giờ, hầu hết nhà dân trong nội ô đều buộc phải tắt đèn và ngủ sớm vì rầy nâu cuồn cuộn kéo vào nhà. Theo kỹ sư Lê Thị Thủy-Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp, dự kiến đợt rầy di trú này sẽ kết thúc vào ngày 10-3. Tỉnh đã xuống giống 19.000 ha lúa hè thu thì đã có 15.000 ha nhiễm rầy, có nơi mật số từ 5.000-10.000con/m².
- Tính đến ngày 5-3, 300ha lúa ở các huyện Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã bị nhiễm rầy nâu và lan rộng, mật độ 500 – 1.000 con/m².
NGUYỄN TRẦN