Hãng Reuters ngày 1-2 cho biết, Iraq đã kêu gọi Liên hiệp quốc trợ giúp 861 triệu USD để hỗ trợ 10 triệu người dân nước này đang lâm vào tình trạng hết sức bi đát của cả 3 cuộc khủng hoảng.
Tình hình ngày càng tệ
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Di cư Iraq, ông Jassim Mohammed al-Jaff, cho biết: “Ngân sách hiện nay của chúng tôi thiếu hụt nghiêm trọng do giá dầu đã giảm từ mức 60 USD xuống 30 USD vì dầu mỏ là nguồn thu duy nhất của Iraq. Chính vì thế, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo”.
Trong khi đó, quan chức về điều phối nhân đạo của LHQ tại Iraq Lise Grande cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Iraq rất phức tạp, kéo dài và có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Hiện Iraq đang đối mặt với đồng thời 3 cuộc khủng hoảng: an ninh, tài chính và nhân đạo. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội gần như tê liệt bởi các cuộc tấn công, đánh bom tự sát diễn ra như cơm bữa.
Một gia đình người Iraq trên đường tị nạn sang Syria
Mới đây, Bộ Tài chính Iraq đã cho phép Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giám sát hầu hết các chính sách kinh tế của Iraq trong năm 2016. Các nhà phân tích cho rằng về bề nổi, thỏa thuận với IMF về giám sát các chính sách kinh tế của Baghdad sẽ giúp Iraq vượt qua khủng hoảng tài chính bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý tiền tệ Iraq. Nhưng thực chất là các cơ quan này đã tê liệt vì tình hình an ninh quá bất ổn. Hồi tháng 10 năm ngoái, nội các Iraq đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016 với tổng chi tiêu 106.000 tỷ dinar (khoảng 87 tỷ USD), với mức thâm hụt ngân sách dự kiến gần 19 tỷ USD. Tuy vậy, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua, Chính phủ Iraq sẽ phải đưa ra dự thảo ngân sách 2016 sát với thực tế hơn với dự kiến giảm chi ngân sách.
Người dân rời đất nước
Theo thống kê mới nhất của LHQ, trong số 10 triệu người Iraq yêu cầu trợ giúp khẩn cấp có hơn 3,3 triệu người phải di dời do xung đột với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ năm 2014 và có 250.000 người từ nước láng giềng Syria chạy sang Iraq để trốn chạy cuộc xung đột. Hầu hết những người sơ tán sống trong các trại tạm, các tòa nhà bị bỏ hoang.
Hơn 10 năm qua, số lượng người Iraq rời bỏ đất nước và cư ngụ khắp thế giới ngày càng tăng. Liên hiệp quốc ước tính gần 2,2 triệu người Iraq đã chạy trốn khỏi nước này kể từ năm 2003, trong đó gần 100.000 người đến Syria và Jordan mỗi tháng trong khoảng thời gian 2003 - 2006. Còn hiện nay, mọi người Iraq có cơ hội đều rời bỏ đất nước ra đi. Một chương trình phỏng vấn những người Iraq tại Jordan cho biết, hầu hết những người Iraq lưu vong đều có cùng tâm trạng “nếu có bất kỳ cơ hội nào thì cố rời bỏ đất nước ra đi”. Nhiều người cho rằng dù biết rõ đi tị nạn ở đâu cũng có kết cục sống trong nghèo khó, nhưng ít ra vẫn còn giữ được mạng sống.
Một người Iraq từ Ramadi mới đến Jordan cho biết, nhiều người ở Iraq có đủ tiền để rời khỏi đất nước đang tìm cách bỏ trốn đến Jordan. Trước đây cuộc sống ở quê nhà cũng tạm ổn, nhưng nay mọi người phải vật lộn để tồn tại vì tình hình kinh tế quá tồi tệ cộng với việc các lực lượng của cả chính phủ lẫn phiến quân IS đều tấn công họ. Cuộc sống ở Iraq mỗi lúc một xấu đi và người ta lo sợ tình hình sẽ trở nên vô định.
VIỆT ANH (tổng hợp)