Chính phủ cho phép CPH Vietnam Airlines

Chính phủ cho phép CPH Vietnam Airlines

Đầu tuần này, tiến trình cổ phần hóa (CPH) Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) đã chính thức được Chính phủ “bật đèn xanh”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý cho Vietnam Airlines được thuê tổ chức tư vấn quốc tế để tư vấn trong quá trình thực hiện CPH. 

Tăng vốn để mua máy bay

Chính phủ cho phép CPH Vietnam Airlines ảnh 1

Ảnh: V.M

Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên hiện tổ chức hoạt động theo mô hình mẹ-con. Công ty mẹ do Nhà nước nắm chủ sở hữu, với 18 đơn vị phụ thuộc, 3 công ty con, 9 CTCP, 4 công ty liên doanh với nước ngoài và 5 công ty liên kết.

Cũng giống như các DN nhà nước lớn khác, Vietnam Airlines được áp dụng hình thức CPH theo hướng giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại DN, phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ. Hiện nay, vốn điều lệ của Vietnam Airlines chỉ có trên 5.700 tỷ đồng. Để tăng cường đội bay và mở rộng hoạt động, chắc chắn Vietnam Airlines cần nhiều vốn hơn nữa.

Theo kế hoạch phát triển đội máy bay đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2007, số lượng máy bay khai thác của Vietnam Airlines sẽ không ngừng tăng lên, trong đó có nhiều loại máy bay mới, hiện đại, bay xuyên lục địa. Số máy bay đưa vào khai thác sẽ tăng từ 60 chiếc (năm 2010) lên 85 chiếc (năm 2015) và 107 chiếc (năm 2020).

Trong giai đoạn 2006 - 2020, Việt Nam Airlines sẽ mua 43 máy bay gồm 20 máy bay A321 (loại 150 ghế), 8 máy bay B787-8 (280 ghế), 5 máy bay ATR 72 (70 ghế) và 10 máy bay A350-900 (300 ghế, bay xuyên lục địa). Thủ tướng mới đồng ý cấp 904 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư 4 máy bay B787-8 (đã ký hợp đồng mua năm 2005).

Trong khi đó, chỉ tính riêng hợp đồng Vietnam Airlines mua 30 máy bay Airbus mới đây đã là 2 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh hàng không ngày càng gay gắt, nếu không đầu tư thêm nguồn lực, Vietnam Airlines sẽ khó đứng vững. Tất nhiên, để thực hiện những hợp đồng mua máy bay khổng lồ, hãng hàng không này không chỉ cần có vốn. Trước đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính bảo lãnh miễn phí các khoản vốn vay của hãng và cho phép hãng thực hiện cơ chế chỉ định thầu đặc biệt. 

Đối tác nước ngoài được mua 10-20%

Theo kế hoạch ban đầu, Vietnam Airlines sẽ tiến hành CPH vào năm 2008. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, với tiến độ hiện nay, nhiều khả năng phải đến năm 2009 Vietnam Airlines mới có thể tiến hành IPO.

Theo ý kiến chỉ đạo ban đầu của Chính phủ, cơ cấu vốn cổ phần lần đầu của Vietnam Airlines là Nhà nước giữ 70-80%, bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài 10-20%, tỷ lệ cụ thể sẽ được phê duyệt khi phương án CPH Vietnam Airlines được trình Thủ tướng.

Trao đổi với ĐTTC, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh từ chối cung cấp các thông tin cụ thể về CPH: “Hiện nay, đề án CPH mới đang trong giai đoạn khởi đầu, nên chưa thể có thông tin chi tiết”. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để chọn nhà tư vấn quốc tế cho quá trình CPH của mình.

Hiện nay, 14 đơn vị hạch toán độc lập của Vietnam Airlines đã hoàn thành CPH. Mới đây, Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch CPH 4 DN nữa (Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu hàng không, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Đà Nẵng, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất) và cho phép Vietnam Airlines thành lập CTCP Tin học-Viễn thông hàng không.

Hiện nay, do chưa có DN nào trong số này niêm yết, chỉ giao dịch nhỏ lẻ trong nội bộ, nên CP hàng không chưa thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Tuy nhiên, với “công ty mẹ” Vietnam Airlines thì hoàn toàn khác. Trên thực tế, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không, các hãng hàng không đang rất có giá. Hơn nữa, Bộ GT-VT cũng đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án chuyển đổi Vietnam Airlines thành Tập đoàn Vận tải hàng không Việt Nam, nên hãng sẽ có một tầm vóc khác.  

Năm 2007, tuy gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, nhưng Vietnam Airlines vẫn đạt tổng doanh thu 20.374 tỷ đồng (kế hoạch là 19.000 tỷ đồng), tăng 15,5% so với năm 2006; trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, tăng 6,4%. Bước sang năm 2008, Vietnam Airlines phấn đấu vận chuyển trên 9 triệu lượt hành khách, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 14% so với năm 2007.  

Hàm Yên

Tin cùng chuyên mục